Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết trong tháng 12 này, tại HoSE có khoảng 17 đơn vị thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng giá trị cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần ) đưa ra đấu giá khoảng 2.536 tỉ đồng.
Tăng 2,5 lần so năm ngoái
Từ đầu năm đến hết tháng 12, HoSE đã tổ chức thành công 40 phiên đấu giá với tổng số chào bán hơn 523 triệu cổ phần (trong đó thực hiện IPO 24 đợt, thu về hơn 6.185 tỉ đồng). Nổi bật là việc IPO cổ phần Vietnam Airlines, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau… So với năm 2013, số lượng doanh nghiệp tham gia IPO gấp 2,5 lần.
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HoSE, cho biết thời gian qua, việc IPO khá dồn dập. Chỉ trong 2 tháng cuối năm đã có 17 hồ sơ IPO, tăng 1,6 lần so với 10 tháng đầu năm. Trong đó, đợt đấu giá, Vietnam Airlines đã bán hơn 49 triệu cổ phần; Công ty TNHH MTV Cấp nước Đồng Nai bán hết hơn 18 triệu cổ phần…
Một số cuộc đấu giá được các nhà đầu tư quan tâm như: đợt bán cổ phần Công ty TNHH MTV Cảng sông TP HCM, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủ Thiêm, Công ty TNHH MTV Phục vụ Dịch vụ Mặt đất Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Bến Thành, Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau…
Theo bà Trần Anh Đào, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy nhanh, sẽ làm tăng nguồn cung cổ phiếu trên thị trường. Đây là điều kiện cần thiết để thu hút dòng vốn lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Việc IPO thực hiện trong bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi đem lại nguồn vốn và thặng dư đáng kể cho nhà nước và doanh nghiệp.
Nên tìm hiểu kỹ khi tham gia đấu giá
Bên cạnh những đơn vị đấu giá thành công thì một số đơn vị lại bị “ế”. Cổ phần của các đơn vị như: Nhà máy Gạo xuất khẩu Tây Ninh (trực thuộc Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh), Công ty TNHH MTV Satra Tây Nam, Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ VDA Hậu Giang (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam) đều không có nhà đầu tư đăng ký đấu giá.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám Công ty Cổ phần Chứng khoán SJC, cho rằng quá trình IPO diễn ra dồn dập là điều bình thường bởi kinh tế đã có nhiều yếu tố hồi phục. Những công ty có tiềm năng, giá đưa ra đấu giá hợp lý sẽ thu hút dòng tiền từ các tổ chức. Nhưng đối với những công ty không có tiềm năng hoặc tiềm năng còn thua các cổ phiếu trên sàn thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ không chọn lựa. Đó là điều bình thường.
Theo ông Tuấn, khi chọn doanh nghiệp để tham gia đấu giá, ngoài vấn đề chọn ngành, thương hiệu, quy mô vốn, tài sản, thị phần cũng như những đặc quyền mà công ty này được hưởng… thì nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ nội dung, thông tin từ doanh nghiệp có minh bạch hay không, có đầy đủ hay không bởi đa phần doanh nghiệp IPO thiếu thông tin so với bảng cáo bạch của doanh nghiệp niêm yết. Một số chuyên gia tài chính cho rằng với tiến trình định sẵn, 2015 tiếp tục là năm mà các doanh nghiệp thực hiện IPO để thu hút dòng tiền cũng như cơ cấu lại doanh nghiệp.
Bình luận (0)