Doanh nghiệp (DN) gỗ trong nước cùng lúc phải giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, thiếu công nghệ tiên tiến, thiếu tiền để đầu tư nâng cấp, thay đổi công nghệ... nếu không muốn chứng kiến cảnh đơn hàng mới lần lượt về tay các DN ngoại.
Nhiều thách thức mới
Thông tin từ Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho thấy dịch chuyển đơn hàng từ thương chiến Mỹ - Trung khiến lượng khách hàng mới gia tăng vào Việt Nam trong bối cảnh các nhà máy chế biến gỗ của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi phải giải quyết sớm. Trong đó, nổi bật là cạnh tranh trong sản xuất tăng cao do ngày càng nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia thị trường.
Trong khi các DN FDI đầu tư và hoạt động rầm rộ thì DN trong nước vẫn đang loay hoay với bài toán tăng năng suất lao động. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của DN Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực ASEAN. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines. Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực chỉ đạt 3,39 điểm, xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng.
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh Ảnh: Tấn Thạnh
HAWA thông tin thêm: Ngoài những hạn chế nêu trên, các DN gỗ Việt Nam còn gặp thách thức về nền tảng số hóa trong khi ứng dụng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng. "Bài toán mà DN chế biến gỗ đang đối mặt không đơn giản, đòi hỏi DN phải có tầm nhìn mới, tư duy sâu để thiết kế lại mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ nhằm gia tăng nội lực" - ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, nhận định.
Bị động trong cuộc chơi công nghệ
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác công nghệ cao kết hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot giúp công nghệ chế biến gỗ tiến đến những bước phát triển lớn, mang lại cho DN nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động. Nếu định hướng phát triển tốt, hoạch định đầu tư hiệu quả, DN sẽ khai thác được các giá trị công nghệ mang lại, hướng đến phát triển bền vững.
Để giảm áp lực về mặt lao động cũng như gia tăng chất lượng sản xuất, nhiều DN đã chuẩn bị ngân sách để đầu tư thiết bị mới. Một số DN quy mô nhỏ và vừa đầu tư đến 50 tỉ đồng mua sắm thiết bị mới, cho thấy quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặc dù vậy, theo ông Leslie Lye, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Weinig, các nhà máy Việt Nam đã đầu tư công nghệ lớn và nhiều hơn so với các nước Đông Nam Á khác nhưng chưa được đồng bộ. DN cần phải thiết lập khả năng không chỉ sản xuất các sản phẩm đại trà mà còn với khả năng sản xuất đơn hàng nhỏ linh hoạt; cần có biểu đồ chính xác về quy trình sản xuất và cách chuyển đổi sản xuất giữa các sản phẩm dễ dàng; giảm mức độ phụ thuộc của nguồn nhân lực, tăng năng suất sản xuất, giảm tần suất phế phẩm. Đầu tư công nghệ 4.0 càng sớm càng tốt nhưng phải khôn ngoan và chính xác, không chỉ phù hợp cho công ty có quy mô rất lớn mà cũng có thể phù hợp cho những DN vừa và nhỏ.
Ông Bernd Kahnert, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Homag (nhà cung cấp các giải pháp tích hợp thế giới về sản xuất trong ngành công nghiệp chế biến gỗ), nêu vấn đề lớn của DN Việt Nam không phải là công nghệ mà là nhân lực nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sản xuất. Ngoài ra, sự biến động của nhân lực cũng gây rủi ro cho DN.
Kể câu chuyện cách đây 15 năm đến thăm Nhà máy Fritz Hanzen tại Đan Mạch (sản xuất mẫu ghế nổi tiếng ANT, chỉ với 5 công nhân có thể sản xuất hơn 2.000 ghế/ngày), ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết để có được năng suất như vậy, người điều hành DN phải tính toán rất kỹ mọi chi phí, nguyên liệu cùng với việc sở hữu một dây chuyền máy móc, thiết bị tối ưu, khai thác tối đa khả năng của máy. "Tuy nhiên, khi tôi đặt vấn đề nếu một ngày nào đó, thị trường không đặt hàng sản xuất ghế ấy nữa, nhà máy sẽ ra sao thì nhận được câu trả lời là: "Đóng cửa". Bài học rút ra là DN phải giữ thế chủ động trong cuộc chơi công nghệ, không đầu tư theo phong trào mà theo nhu cầu của chính mình trên cơ sở nguồn lực nội tại và nghiên cứu các giải pháp đang có trên thị trường. Chủ tịch HAWA cho rằng càng có nhiều thông tin, càng có chiến lược rõ ràng thì DN càng có lợi thế để giải được bài toán đầu tư hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Quốc Khanh cũng cho rằng quyết định đầu tư thiết bị cần có tư duy cả hệ thống từ kinh doanh, thiết kế, vận hành quản trị rồi mới ra dây chuyền và trong dây chuyền cần có sự cân bằng giữa thiết bị mới và cũ. DN nên cân nhắc mua thiết bị nào để thiết bị mới phù hợp với tổng thể thay vì chỉ một vài cỗ máy rất tiên tiến về công nghệ nhưng lại không được khai thác hết công suất.
5 tháng, có 49 dự án đầu tư vào ngành gỗ
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI đầu tư tăng gấp gần 1,2 lần so với cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm qua. Đặc biệt, 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ đầu tư hơn 60% trong tổng số dự án. Làn sóng chuyển dịch quá nhanh, quá nhiều đã khiến nhu cầu nhân công sản xuất gia tăng, kéo theo tình trạng khan hiếm lao động, giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng 10%-20% so với trước nhưng DN rất khó tuyển dụng.
Bình luận (0)