Tại Quyết định 503 của UBND TP HCM về ban hành Đề án "Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030", thành phố đã đề ra các nhóm nhiệm vụ về kinh tế số, cụ thể như: Nâng cao nhận thức và kỹ năng số; phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu và ứng dụng kinh tế số; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số…
Tác động tích cực từ chuyển đổi số
Vừa qua, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM được UBND thành phố giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đánh giá đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn. Việc nghiên cứu mang tính chất định hướng để thành phố có những chủ trương, chính sách phù hợp về lĩnh vực này.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết cùng với việc xây dựng các chính sách phù hợp, có một số vấn đề cần làm tốt gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hưởng ứng, ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số, hỗ trợ DN số; đầu tư hạ tầng số; đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao (trong đó có nguồn nhân lực kinh tế số); ban hành thể chế và những quy định để bảo đảm an toàn cho việc sử dụng kinh tế số và bảo vệ sở hữu trí tuệ; thúc đẩy chính quyền số với việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến…
Thanh toán trực tuyến sẽ phát triển mạnh trong kinh tế số. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Liên quan đến tình hình chuyển đổi số trong các DN, các chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam đánh giá DN Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Có thách thức đến từ nội tại DN nhưng nhiều thách thức khác là hạn chế của môi trường kinh doanh hiện hữu.
Đến nay, tình trạng chung là nguồn lực của DN hạn chế, khả năng đổi mới sáng tạo không cao, chi phí kinh doanh cao do hạ tầng logistics còn chậm phát triển so với yêu cầu… trong khi quản trị DN còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của các DN dẫn đầu trong chuỗi giá trị…
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số có thể mang lại những tác động tích cực trong việc tìm lời giải cho các bài toán về năng suất, năng lực cạnh tranh và chuyển đổi mô hình kinh doanh cho DN. Đáng chú ý, các chuyên gia khuyến cáo chuyển đổi số là một hành trình gian nan, tỉ lệ thành công thường thấp (dao động từ 60%-80%). Vì vậy, DN cần có những sự chuẩn bị đầy đủ về năng lực số và năng lực quản trị chuyển đổi số để có thể chuyển đổi số thành công.
Trợ lực nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các chuyên gia chỉ ra rằng khi chuyển đổi số, các DN thường nhắm đến 3 mục tiêu chính là giúp tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất và xây dựng mô hình kinh doanh mới đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng và môi trường cạnh tranh. Nghiên cứu mới đây của Đại học RMIT Việt Nam cho thấy hầu hết các DN có vốn nhà nước và DN nhỏ và vừa ở Việt Nam bắt đầu chuyển đổi số.
Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp đặc biệt, đó là các DN nhỏ ở khối dịch vụ đã vượt lên khỏi giai đoạn ở nhóm bắt đầu. Trong khi đó nhiều công ty tư nhân lớn trong nước đã vượt qua giai đoạn bắt đầu nhóm vượt trội. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì hoàn toàn nằm trong miền của nhóm vượt trội về chuyển đổi số.
Thấy rõ yêu cầu bức thiết phải chuyển đổi số để bắt kịp xu thế mới, những năm trở lại đây, Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động liên quan đến chuyển đổi số để các DN nắm bắt và có cái nhìn thực tế hơn về vấn đề này, đưa chuyển đổi số thành mục tiêu phải thực hiện, từ đó có kế hoạch hành động phù hợp.
Dự án "Hỗ trợ DN vừa và nhỏ (SME) Việt Nam chuyển đổi số" do Công ty Công nghệ Real-Time Analytics (RTA) và Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai đang hỗ trợ 390 DN thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có 40% DN tại TP HCM. Theo TS Lê Đặng Trung, Tổng Giám đốc RTA, các DN tham gia dự án được đào tạo sử dụng phần mềm có bản quyền về lập kế hoạch nguồn lực ERP (hệ thống phần mềm tích hợp giúp quản lý mọi hoạt động của DN) hoàn toàn miễn phí trong 1 năm.
Hiện các DN tham gia đã bắt đầu đi vào guồng, hầu hết các DN đều ý thức được chuyển đổi số là tất yếu nên chủ động triển khai quyết liệt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, với các DN phi sản xuất thì chuyển đổi số giúp họ có thể vận hành DN mọi lúc mọi nơi mà không cần văn phòng nên có sự chuyển biến rõ nét.
"Nhu cầu chuyển đổi số của các DN rất đa dạng nhưng nhìn chung các DN mong muốn có ứng dụng đơn giản, dễ sử dụng với máy tính và điện thoại thông minh hiện hữu mà không cần phải mua sắm thêm. Tuy vậy, cũng có khoảng 17% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 nên không dành ưu tiên cho vấn đề chuyển số do phải tập trung lo chuyện "cơm áo gạo tiền" hằng ngày. Trong tháng 4 này, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển chọn thêm hơn 200 DN để đủ số lượng 600 DN của dự án" - TS Trung thông tin.
DN cần hỗ trợ gì để chuyển đổi số? Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM - kiến nghị thành phố xem xét hỗ trợ tài chính cho các DN cung cấp dịch vụ chuyển đổi số để DN nghiên cứu, triển khai ứng dụng mới phục vụ cộng đồng DN. "Có thể đưa vào chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư của thành phố, xem đây như một sản phẩm chủ lực của TP HCM. Cùng với đó là có chính sách giảm thuế để hỗ trợ, khuyến khích DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, số hóa" - ông Anh Tuấn đề xuất.
Đẩy mạnh hơn nữa số hóa trong thanh toán
Chia sẻ về các giải pháp góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), cho biết đã triển khai nhiều phương thức thanh toán như qua thẻ chip do các ngân hàng phát hành, thanh toán qua số tài khoản và phương thức thanh toán bằng mã VietQR. Thời gian tới, Napas sẽ tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán nhiều dịch vụ như học phí, viện phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó nhân rộng mô hình trên nhiều kênh thanh toán khác.
Để thúc đẩy thanh toán trong lĩnh vực dịch vụ công, đại diện Napas cho hay sẽ tiếp tục kết nối cơ sở dữ liệu, hệ thống của các cơ quan nhà nước như thuế, kho bạc, hải quan... Hiện Napas đã triển khai đến 48 địa phương, 15 bộ, ngành qua đó thực hiện thanh toán cho 5 nhóm dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia như nộp thuế, bảo hiểm, vi phạm giao thông, các lệ phí khác.
Trong quá trình chuyển đổi số, sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tham gia vào quá trình phát triển tài chính toàn diện là rất quan trọng. Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Hồ Quốc Tuấn - giảng viên Trường Đại học Bristol, Anh - nhận định việc tích hợp thị trường thanh toán và thị trường vốn kỹ thuật số vào nền kinh tế phải mang tính đồng bộ, hiệu quả, và có cơ chế quản lý, giám sát.
Để quá trình này đồng bộ và hiệu quả, đầu tiên và quan trọng nhất là kiến tạo chính sách và nới lỏng sự kìm hãm trong xu hướng phát triển Fintech gắn liền với tài chính toàn diện. "Cơ chế thí điểm như hình thức sandbox đối với các công ty công nghệ sẽ giúp cơ quan quản lý hiểu và nắm rõ cách thức vận hành, rủi ro có thể có đối với những sản phẩm, mô hình từ Fintech nói riêng và chiến lược toàn diện tài chính" - TS Hồ Quốc Tuấn đề xuất.
TP HCM tổ chức diễn đàn kinh tế số
Hôm nay (15-4), Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2022, chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai" do UBND TP HCM tổ chức chính thức diễn ra.
Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm nay sẽ xoay quanh 4 chủ đề chính là: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong DN ở TP HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP HCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN: Thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong DN: Kinh nghiệm và bài học thành công của DN trong nước và quốc tế.
Diễn đàn dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 900 đại biểu bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao; địa phương nước ngoài; định chế tài chính quốc tế; chuyên gia kinh tế và kinh tế số, DN.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-4
Bình luận (0)