xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đông nghịt trên trời, kẹt cứng dưới đất

DƯƠNG NGỌC - THÁI PHƯƠNG

Cuộc đua mở hãng hàng không giúp hành khách được hưởng lợi nhưng áp lực ngày càng lớn lên hạ tầng, nguồn nhân lực và sân bay vốn đang xuống cấp

Vinpearl Air, Vietravel Airlines là 2 cái tên mới nhất được Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đủ điều kiện, sau khi nghiên cứu và thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không.

Hành khách có thêm lựa chọn

Theo quy trình, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Vinpearl Air và Vietravel Airlines.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air có đủ điều kiện như năng lực tài chính của chủ đầu tư, hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực hàng không bảo đảm cho nhu cầu hình thành, hoạt động và phát triển một hãng hàng không. Dự án này đủ điều kiện để Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 30 máy bay vào năm 2025. Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng, đặt "căn cứ" tại sân bay Nội Bài, sẽ kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7-2020 với đội máy bay 6 chiếc.

Vietravel Airlines cũng tiến thêm một bước tới mục tiêu mở hãng hàng không. Đại diện Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, công ty mẹ của Vietravel Airlines) cho biết việc chọn sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm "căn cứ" sẽ không tạo áp lực lên sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Mục tiêu của hãng tập trung vào thị phần khách du lịch của chính Vietravel, cũng như du khách cả trong và ngoài nước.

Một cái tên khác cũng đang xúc tiến xin thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) là Công ty CP Hàng không Thiên Minh (thuộc Tập đoàn Thiên Minh) được thành lập vào giữa tháng 6-2019, vốn điều lệ đăng ký 1.000 tỉ đồng, người đại diện là ông Trần Trọng Kiên, trụ sở chính đặt tại Quảng Nam. Hiện hồ sơ xin phê duyệt dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều đã được doanh nghiệp (DN) này gửi lên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Theo các chuyên gia, nếu 3 đề án thành lập các hãng hàng không mới này được thông qua, thị trường hàng không Việt Nam sẽ nhộn nhịp và cũng khốc liệt hơn, cạnh tranh trực tiếp với các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways. Trước đó, Công ty CP Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) đã trở thành hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam khi được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng nhận khai thác máy bay sau nhiều năm chờ đợi.

Trước sự sôi động và cạnh tranh ngày càng gay gắt của các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định sẽ quản lý chặt kế hoạch phát triển đội máy bay đến năm 2025 của các hãng, bảo đảm số lượng máy bay khai thác của các hãng phù hợp với thị trường vận tải hàng không, hạ tầng các cảng, năng lực giám sát của Cục Hàng không cũng như các yêu cầu về an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ...

Đông nghịt trên trời, kẹt cứng dưới đất - Ảnh 1.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải hành khách. Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Trần Tuấn Linh, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường - Cục Hàng không Việt Nam, cho biết quan điểm của cục là ủng hộ DN mới tham gia thị trường nhằm tăng tính cạnh tranh và thực hiện bầu trời mở. Các DN gia nhập phải theo quy hoạch đã được duyệt nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, không có tính chất lôi kéo hoặc làm suy giảm mức độ hoạt động, điều kiện đang hoạt động bình thường của các hãng khác. Bởi thực tế thời gian qua, đã có sự cạnh tranh không bình thường, cụ thể là thu hút nguồn nhân lực phi công giữa các hãng.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, việc thị trường có thêm nhiều hãng hàng không mới giúp hành khách hưởng lợi, cạnh tranh về giá cả và thêm sự lựa chọn khi nhu cầu đi lại bằng hàng không ngày càng tăng. Nữ phó tổng giám đốc một hãng hàng không chia sẻ rằng bản thân hãng của bà không sợ cạnh tranh khi có thêm nhiều đối thủ gia nhập. "Nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng sẽ khiến miếng bánh thị phần phình to, mỗi hãng khai thác một phân khúc riêng. Cạnh tranh giúp thị trường phát triển và hành khách có lợi, chưa hẳn không tốt" - bà nhận xét.

Đông nghịt trên trời, kẹt cứng dưới đất - Ảnh 2.

Đường băng sân bay quốc tế Nội Bài đang phát sinh nhiều hư hỏng do tần suất đón máy bay quá dày. Ảnh: CTV

Ảnh hưởng chất lượng phục vụ

Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại lúc này là các sân bay đang đối mặt với tình trạng quá tải, xuống cấp, nguy cơ tạm dừng khai thác, nếu xuất hiện thêm hãng hàng không và máy bay, tình hình sẽ càng tệ hơn. Đại diện một hãng hàng không thừa nhận không chỉ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mà tình trạng quá tải đã xảy ra thường xuyên hơn tại sân bay quốc tế Nội Bài. Cảnh máy bay xếp hàng chờ cất hạ cánh, kẹt xe ở khu vực cổng ra vào sân bay xảy ra với tần suất dày hơn. "Tình cảnh này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách của các hãng" - đại diện hãng này nói.

Lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài còn cho biết đường băng sân bay Nội Bài đang phát sinh nhiều hư hỏng do tần suất đón máy bay quá lớn. Trong 3 năm gần đây, sản lượng bay tại Nội Bài ngày càng tăng, có thời điểm số chuyến bay cất và hạ cánh lên tới 42 chuyến/giờ so với năng lực khai thác là 37 chuyến/giờ; tần suất khai thác của các loại máy bay, đặc biệt máy bay có trọng tải lớn, gia tăng khiến hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp với mức độ hư hỏng, mật độ và phạm vi hư hỏng gia tăng.

Bề mặt đường băng 1A xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh sau máy bay, mỗi vệt lún rộng cả mét; đoạn đường băng gần đó xuất hiện tình trạng nứt dọc tim. Đường băng 1B xuất hiện nhiều điểm nứt vỡ; phụt bùn khi chịu áp lực của máy bay đi qua; một số tấm bê-tông xi-măng có hiện tượng bị lún… Trong khi khu vực sửa chữa bê-tông nhựa tại đường lăn S3, được đưa vào khai thác từ tháng 8 năm ngoái đến nay đã bị hư hỏng trở lại do nền yếu, khu vực đường lăn có kết cấu bê-tông xi-măng thường xuyên bị nứt vỡ.

Gần đây nhất, vào ngày 9-8, sân bay Nội Bài và Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã phải lập biên bản đóng cửa dừng khai thác đường lăn S3 vì không bảo đảm an toàn cho máy bay lăn qua. Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài Vũ Ngọc Kiệm cho biết các đơn vị đã thực hiện trám vá 11 vị trí tại khu vực này. Cảng cũng đưa các điểm xung yếu vào danh sách theo dõi đặc biệt và triển khai giải pháp khắc phục tạm thời để bảo đảm phục vụ hoạt động an toàn bay.

Tình trạng quá tải, kẹt "trên trời lẫn dưới đất" cũng xảy ra khá thường xuyên ở sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua. Trong khi đó, kế hoạch chia lửa, giải cứu sân bay này từ việc triển khai xây dựng nhà ga T3 (tổng mức đầu tư khoảng 11.400 tỉ đồng) đến giờ vẫn chưa thể chốt vì chưa quyết định được chủ đầu tư.

Hiện Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị khai thác khu bay nhưng cơ chế không cho phép tự ý đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn hạ tầng… Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, trong khi công trình chưa được sửa chữa lớn, toàn diện thì cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu khắc phục tạm thời các vị trí hư hỏng và máy bay phải giảm tần suất hoạt động trên đường lăn bị hư hỏng.

Xin ứng vốn của ACV để sửa khẩn

Trước tình trạng quá tải và xuống cấp nghiêm trọng của 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần gửi công văn báo cáo khẩn cấp với Bộ GTVT về vấn đề này. Theo đó, cục kiến nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ACV sử dụng vốn của DN để sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước quản lý tại các sân bay.

Trước đó, Bộ GTVT cũng từng có văn bản gửi Bộ Tài chính liên quan đến nguồn vốn để sửa chữa gấp đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, kiến nghị Bộ Tài chính cho phép ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng khu bay để thực hiện ngay công tác bảo trì, sửa chữa hệ thống sân đường khu bay tại các cảng hàng không hoặc sử dụng nguồn kinh phí của ACV để thực hiện.

Tại cuộc họp vào cuối quý I/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đã báo cáo Chính phủ về công tác sửa chữa 2 đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Bộ đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng 4.200 tỉ đồng của ACV để đầu tư, sửa chữa đường băng 2 sân bay này và nhà nước sẽ hoàn trả sau.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo