Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, nước này đã ban hành quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm (broken - rice), đồng thời áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc, gạo như: thóc (HS 100610), gạo lứt (HS 10620) và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati (HS 10063090). Quyết định này đã có hiệu lực từ ngày 9-9.
Chính sách gây "chấn động"
Ngày 11-9, trao đổi với phóng viên, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết chính sách mới của Ấn Độ gây "chấn động" trong ngành. Bởi lẽ, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo dẫn đầu thế giới với thị phần áp đảo.
Năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng khối lượng gạo của 4 nước xuất khẩu lớn liền kề cộng lại gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Riêng Việt Nam - nước thường xuyên ở vị trí thứ 3 xuất khẩu gạo thế giới, sản lượng hằng năm từ 6 - 6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An), nhận định chính sách mới của Ấn Độ có thể khiến giá gạo thế giới tăng khoảng 20%, tương đương với mức thuế xuất khẩu gạo mà nước này áp dụng.
"Họ hạn chế xuất khẩu là do hạn hán, mất mùa có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực nội địa. Tức là nguồn cung bị giảm, sẽ có tác động dài hạn. Động thái này khác với việc nguồn cung dồi dào nhưng vận chuyển hàng hóa chậm lại do dịch Covid-19 trước đây. Trước diễn biến mới, nhiều DN gạo Việt Nam đang ngưng chào bán do dự báo giá sẽ tăng nhanh trong thời gian tới" - ông Hòa phân tích.
Giá lúa gạo Việt Nam kỳ vọng tăng khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu
Trong báo cáo tháng 8-2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn - giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu. Sản lượng gạo ở Ấn Độ được dự báo có thể chỉ đạt 128,5 triệu tấn - giảm 0,9% trong niên vụ này, đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ vụ 2015-2016.
Trái ngược với sự sụt giảm về sản lượng, USDA tiếp tục nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn - tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ trước. Các nước tiêu thụ tăng là: Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Nigeria, Philippines và Việt Nam.
Dự báo này giúp các DN có thêm cơ sở để nhận định xu hướng giá gạo tăng trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), đánh giá gạo Việt Nam đang có cơ hội tăng giá, là cơ sở để tăng giá thu mua cho nông dân.
"Chỉ mấy ngày qua, giá gạo nguyên liệu các loại đã tăng bình quân 300 đồng/kg so với trước khi Ấn Độ công bố thông tin hạn chế xuất khẩu. Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu cuối vụ, họ sẽ có giá bán lúa tốt hơn. Các DN đều kỳ vọng giá tăng cao nhưng phải chờ xem thực tế khách hàng có chấp nhận mặt bằng giá mới hay không" - ông Đôn nhận xét.
Không chỉ có lợi
Cùng với kỳ vọng giá xuất khẩu gạo sẽ tăng, một số ý kiến cho rằng tác động từ động thái mới của Ấn Độ không chỉ có lợi.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đánh giá việc nước này cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức săn chăn nuôi tăng. Năm 2021, Việt Nam đã nhập 433.000 tấn gạo tấm nên cũng bị tác động về nguồn cung. Vì vậy, các DN đã ký hợp đồng với đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.
Ông Trần Vũ Khánh, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu nông sản tại TP HCM, cho hay DN đang có hợp đồng nhập khẩu gạo Ấn Độ với số lượng gần 10.000 tấn, gồm cả gạo tấm và gạo 25% tấm. "Tôi đang hỏi lại nhà xuất khẩu thông tin chính thức. Nếu Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với gạo, có thể đơn hàng sẽ bị hủy. Do hợp đồng chưa đặt cọc nên chúng tôi không bị thiệt hại về nhập khẩu nhưng có thể phải đền hợp đồng cho bên mua những lô hàng dự kiến này. Giá nhập khẩu gạo Ấn Độ khá rẻ nên không thể mua hàng trong nước thay thế" - ông Khánh băn khoăn.
Một số DN ký hợp đồng chốt giá trước cũng có thể bị lỗ khi giá thị trường tăng. Chẳng hạn, hợp đồng tập trung xuất khẩu 50.000 tấn gạo trắng thông dụng sang Bangladesh vừa được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ cho các DN có giá khá thấp so với thời điểm hiện tại. "DN không có hàng giá thấp mua trước đó thì thực hiện hợp đồng này sẽ lỗ" - đại diện một DN lo ngại.
Ở góc độ khác, ông Trần Vũ Khánh cũng cho rằng quyết định mới của Ấn Độ chỉ gây thiệt hại cho một số DN rơi vào những tình huống cụ thể, còn lại về tổng thể có lợi cho người sản xuất và DN gạo Việt Nam. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không lo đội giá vì giá bắp hiện bằng giá gạo tấm, DN có thể dùng thay thế.
Nông dân vẫn thiệt thòi
Thông tin từ thị trường gạo Ấn Độ là tin vui đối với ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong bối cảnh giá xuất khẩu đang giảm. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, giá xuất khẩu gạo bình quân năm nay giảm đến 52 USD/tấn, trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh, nông dân rất thiệt thòi khi sản xuất không có lãi.
"Nông dân kỳ vọng giá lúa gạo tăng để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, gạo là lương thực thiết yếu, việc tăng giá quá mức sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nếu giảm được các chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vận chuyển... sẽ tốt hơn cho thị trường này" - ông Nam nhìn nhận.
Theo số liệu thống kê, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 ở mức 479 USD/tấn, giảm hơn 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái dù nhiều DN đã nỗ lực xuất khẩu gạo chất lượng cao, có thương hiệu.
Bình luận (0)