Trao đổi sau tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 17-2, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - nhấn mạnh cơ cấu kinh tế chưa thật sự đổi mới trong khi thiếu nguồn lực để bứt phá đã khiến TP HCM tồn tại nhiều vấn đề phải giải quyết như: ô nhiễm, quá tải trong nội đô, liên kết vùng yếu...
Đầu tư công là trụ cột
Những điểm nghẽn trên, theo TS Vũ Tiến Lộc, không thể được tháo gỡ nếu địa phương hoặc doanh nghiệp (DN) tư nhân tự đứng ra làm. Một địa phương lớn như TP HCM rất cần nguồn lực bổ sung đủ lớn từ phía trung ương để có thể triển khai được những dự án hạ tầng giao thông xứng tầm giúp giảm ách tắc và đẩy mạnh liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP HCM cần nguồn lực lớn để giải quyết những vấn đề liên quan đến ô nhiễm, quá tải nội đô, liên kết vùng kém....Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Một giải pháp quan trọng để hồi phục, phát triển kinh tế được nêu ra tại tọa đàm do Báo Người Lao Động tổ chức là hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. Song, một trung tâm tài chính quốc tế chỉ phát huy được sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư và tạo khả năng lan tỏa hiệu ứng ra cả nước khi nó được đặt ở một địa phương có đầy đủ điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông và thể chế đặc thù. Do đó, đưa nguồn vốn đầu tư công xứng tầm vào việc tháo điểm nghẽn hạ tầng cho TP HCM đồng thời với việc kích thích thành phố thử nghiệm cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa là giải pháp quan trọng cần thực hiện" - TS Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cũng nói hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của TP HCM và cần được tháo gỡ ngay. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội thông qua đã dành nguồn lực lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Trên cơ sở nhu cầu lớn của một địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước, TP HCM cần được phân bổ một tỉ lệ vốn hợp lý, cần thiết, xứng tầm để phục vụ đầu tư hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối vùng, đặc biệt với khu vực ĐBSCL.
"Bên cạnh đó, cần xem xét tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP HCM để địa phương này có thêm nguồn lực tái đầu tư, phát triển. Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố không phải chỉ để phát triển riêng cho TP HCM mà còn tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng phát triển" - TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Tính toán gói hỗ trợ hiệu quả
TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh TP HCM là trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, hội tụ các điều kiện tốt nhất để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Do đó, Chính phủ, các bộ - ngành cần có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ TP HCM chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Về phía thành phố, cần chủ động hỗ trợ người dân, DN tiếp cận gói hỗ trợ từ phía Chính phủ; giữ mối liên hệ chặt chẽ với kiều bào để thu hút nguồn lực đầu tư, sức mạnh tri thức vào lộ trình khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi tốt là cơ hội thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Nhiều DN nước ngoài cũng đánh giá cao Việt Nam và sẵn sàng bỏ tiền vào đầu tư.
"Chỉ cần Việt Nam linh hoạt hơn trong chính sách kiểm soát dịch Covid-19 thì sẽ có cơ sở, cơ hội cho kinh tế phục hồi. Chính phủ nên có tuyên bố, thông điệp rõ về chính sách kiểm soát dịch lâu dài để DN mạnh dạn "xuống vốn" đầu tư làm ăn. Với Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", DN vẫn không yên tâm. Chính phủ đang mở rộng chính sách tài khóa, tiền tệ mà DN không đầu tư thì nguy cơ lạm phát rất cao. Khi lạm phát tăng, người dân có xu hướng giữ tài sản, gây ra lệch pha" - TS Huỳnh Thanh Điền phân tích.
Về chính sách kích cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng thành phố cần sáng tạo các giải pháp riêng, phù hợp với tình hình. Trong đó, tập trung vào các giải pháp thúc đẩy đầu tư công để tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo động lực cho các DN ngành sắt thép, xây dựng... phát triển và lan tỏa tới các khu vực khác.
"Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi 10 năm nay vẫn chưa quy hoạch xong, các tuyến đường vành đai cũng làm rất chậm mà càng chậm thì càng mất cơ hội. Nếu có quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt thì thành phố sẽ làm được" - TS Điền nhấn mạnh.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, ách tắc, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục cấp phép đầu tư của các sở, ngành... cũng là giải pháp mà TS Huỳnh Thanh Điền quan tâm với mục tiêu tạo điều kiện cho DN hoạt động hiệu quả thật sự.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-2
Kích hoạt lại chương trình kích cầu của TP HCM
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, TP HCM là trung tâm kinh tế lớn, có đóng góp lớn vào GDP cả nước và đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia. Nếu thành phố chậm phục hồi, phát triển mạnh trở lại thì sẽ kéo kinh tế cả nước hồi phục chậm theo. "Do đó, khi thiết kế, phân bổ nguồn lực để triển khai các gói tài khóa, thành phố phải được ưu tiên. Chính quyền thành phố cũng cần có sự tính toán triển khai các gói này thật hiệu quả" - TS Điền lưu ý.
Về phía TP HCM, TS Huỳnh Thanh Điền nhìn nhận nếu gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho DN được triển khai cùng với chương trình kích cầu của thành phố được kích hoạt lại, DN sẽ tự tin, mạnh dạn quay lại "đường đua" sớm hơn.
Ông ĐỖ HÀ NAM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Thủ tục tiếp cận vốn cần đơn giản hơn
Mặc dù DN nào cũng cần được hỗ trợ nguồn vốn để vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất nhưng điều mà DN cần hơn cả đó là một hệ thống cơ chế, chính sách thật sự tạo thuận lợi cho DN, vì DN.
Một vấn đề tồn tại hiện nay là lãi suất tại các ngân hàng thương mại đã giảm theo các chỉ đạo, kế hoạch của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhưng không có nghĩa là DN có thể dễ dàng tiếp cận vốn. Chỉ khi thủ tục, điều kiện tiếp cận vốn đơn giản, không còn bất hợp lý, giúp DN tiếp cận được vốn hơn nữa thì họ mới có thể thu mua nguyên liệu, tự tin lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh trở lại, góp phần giải quyết công ăn việc làm...
Ông NGUYỄN TRÍ CÔNG, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai: Cần chính sách cho ngành nông nghiệp
Ngành chăn nuôi năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho các hộ nhỏ lẻ nếu có sự liên kết thông qua các tổ hợp tác, HTX. Ưu điểm của chăn nuôi nông hộ là tận dụng được lao động nhàn rỗi, lấy công làm lời. Nếu nông dân tham gia liên kết thì có thể ký hợp đồng với nhà máy sản xuất để "mua chung" với giá rẻ; đàm phán giá đầu ra để tránh bị ép giá, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Vai trò của hiệp hội, nhà khoa học là giúp đỡ nông dân về mặt kỹ thuật, hướng họ tới giải pháp chú trọng đến năng suất thay vì chạy theo số lượng, hạ giá thành; quan tâm đến an toàn sinh học và môi trường cũng như cung ứng thực phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Giai đoạn cao điểm dịch bệnh vừa qua cũng thấy vai trò của việc tự chủ lương thực, thực phẩm tại các địa phương trong việc giúp ổn định đời sống người dân. Do vậy, rất cần vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước như một "bà đỡ" cho các tổ hợp tác, HTX trong giai đoạn đầu thành lập để có thể thu hút nông dân tham gia, giúp phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.
N.Hải - A.Na ghi
Bình luận (0)