Tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đề án xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM có thể xem là ý tưởng đột phá nhất và cần được ủng hộ trong thời điểm này. Báo Người Lao Động tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu để có cái nhìn rõ hơn.
Fintech là chìa khóa quan trọng
PGS-TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng - ĐHQG TP HCM, cho biết từ năm 2002, Nghị quyết 20/BCT của Bộ Chính trị về TP HCM đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính của cả nước và tái khẳng định tại Nghị quyết 16/BCT năm 2012. Khởi động lại việc thực hiện kế hoạch này, trên cơ sở kiến nghị của TP HCM, Chính phủ đã đưa nhiệm vụ phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo PGS-TS Trần Hùng Sơn, khoảng 10 năm trở lại đây, công nghệ tài chính (Fintech) đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính khi phá vỡ các dịch vụ, sản phẩm tài chính truyền thống. Việc này được ví giống với cách các công nghệ số tương tự đã định hình lại nhiều ngành khác như xuất bản, âm nhạc, du lịch, taxi...
Đồng thời, các đổi mới của Fintech cũng tạo ra sự dịch chuyển nhanh chóng từ công việc liên quan tài chính truyền thống sang lĩnh vực kỹ thuật số mới. Fintech cũng trở thành nền tảng hỗ trợ cho doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu, cũng là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời.
Báo cáo Global Fintech Hub năm 2018 đã xếp TP HCM vào danh sách 25 trung tâm Fintech mới nổi của thế giới. Đến năm 2020, báo cáo Global Fintech Hub tiếp tục đặt TP HCM vào thứ hạng 33/40 thành phố trên toàn cầu có ngành Fintech phát triển.
Còn theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, trong số các công ty Fintech hoạt động ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp của Việt Nam và hơn 50% công ty có trụ sở tại TP HCM. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư tham gia các công ty Fintech đến từ quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Anh, Pháp… và một số quốc gia lân cận như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Tháng 6-2020, Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó tài chính - ngân hàng được xác định là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. "Thúc đẩy phát triển trung tâm công nghệ tài chính sẽ phục vụ cho kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM, trung tâm đổi mới sáng tạo cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng tại TP HCM và Việt Nam" - PGS-TS Trần Hùng Sơn nhận định.
Trung tâm tài chính quốc tế theo xu thế mới không đơn thuần là nơi tập trung các tổ chức tài chính, ngân hàng mà là tổ hợp trung tâm mua sắm, du lịch, phi thuế quan... Ảnh: QUANG LIÊM
Bắt kịp xu thế mới
Câu chuyện "hình hài" của trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM cũng là vấn đề cần đề cập, bàn thảo.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho hay theo đề án mà IPPG và nhóm nhà đầu tư quốc tế Mỹ đã tư vấn, nghiên cứu và đề xuất, một trung tâm tài chính quốc tế theo xu thế mới tại Việt Nam không đơn thuần là những tòa nhà cao tầng với sự có mặt của các tổ chức tài chính, ngân hàng... mà còn là tổ hợp những trung tâm mua sắm toàn cầu, khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, khu phi thuế quan...
Về kế hoạch cụ thể, mới đây, UBND TP HCM và IPPG đã ký bản ghi nhớ về việc nghiên cứu lập đề án. Nếu đề án được thông qua, phía nhà đầu tư Mỹ sẽ rót 10 tỉ USD vào Việt Nam để triển khai trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM và Đà Nẵng. Về lâu dài, các nhà đầu tư Mỹ đề nghị đưa Disney vào TP HCM, đưa Universal vào Hà Nội và đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) với dự kiến thu hút khoảng 70 triệu khách du lịch/năm cho Việt Nam.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính, các nước trong khu vực Đông Nam Á đang quyết liệt chạy đua mời gọi đầu tư, đưa nguồn vốn từ các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới vào thị trường. Để Việt Nam có thể chớp cơ hội lớn, cần có sự đột phá về chính sách với nhiều điểm vượt trội so với khung pháp lý hiện hành. Theo đó, cần sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, các bộ - ngành. "Thời gian là vàng, nếu chậm thì sẽ mất cơ hội!" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, cho biết ông ghi nhận những ý tưởng do các chuyên gia góp ý cho đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" do Báo Người Lao Động vừa tổ chức. Ông đánh giá các kiến nghị có ý nghĩa tiếp sức cho việc hoàn thành đề án trong thời gian tới một cách nhanh nhất.
"Phát triển trung tâm tài chính quốc tế và tự do hóa ở mức độ nào cho phù hợp cũng là vấn đề lớn. Trong thiết kế chính sách, dù có bước đi thận trọng nhưng một tiêu chí cần được quan tâm là phải đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu từ các nhà đầu tư quốc tế về một trung tâm tài chính thực thụ, bảo đảm cạnh tranh" - ông Trần Anh Tuấn nói.
Lập tổ thực hiện dự án trung tâm tài chính công nghệ
Để hình thành một hệ sinh thái Fintech mạnh mẽ và sôi động, cần sự tham gia, phối hợp của những công ty tài chính lâu đời và danh tiếng, công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước và giới nghiên cứu.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng kiến nghị thành lập tổ thực hiện dự án xây dựng trung tâm công nghệ tài chính. Tổ này phải có kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ sinh thái và làm việc toàn thời gian. Ngoài ra, việc thuê một tổ chức tài chính quốc tế có thể sẽ cần thiết và cần phối hợp với các bộ - ngành liên quan để có kế hoạch hành động cụ thể.
PGS-TS Trần Hùng Sơn đề xuất huy động kinh phí cho dự án xây dựng trung tâm công nghệ tài chính với mức 1-2 triệu euro/năm tùy quy mô, kéo dài ít nhất trong 3 năm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-2
Bình luận (0)