Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nhưng thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn có những điểm sáng nổi bật.
Đất nền tiếp tục "nóng"?
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản được kỳ vọng được phục hồi từ năm 2022 và có sự bứt phá nhờ nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ. Những tín hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô, đầu tư công, mở cửa du lịch và nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn là những cơ sở cho thấy thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn trong năm Nhâm Dần.
Đất nền được dự báo dẫn dắt thị trường bất động sản năm 2022
Đất nền được dự báo dẫn dắt thị trường bất động sản năm 2022. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời gian cận Tết, một số khu vực ven Hà Nội như khu Hòa Lạc (Thạch Thất), huyện Mê Linh, các hoạt động mua bán đất nền diễn ra khá sôi động. Những hiệu ứng từ các dự án đã đầu tư hoặc chuẩn bị triển khai khiến phân khúc đất nền "hot" hơn. Việc "ăn theo" thông tin đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đẩy giá đất khu vực huyện Đông Anh lên cao.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao. Ông Đính cho rằng trong 2 quý đầu năm 2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu. Sở dĩ đất nền vẫn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư bởi trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn cung trên thị trường bất động sản sụt giảm mạnh.
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Đính, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, nhà đầu tư không thể bỏ tiền để kinh doanh các loại hình khác, đất nền vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng, để hạn chế rủi ro.
Một minh chứng khác cho thấy đất nền được dự báo tiếp tục dẫn dắt thị trường là theo báo cáo thị trường giai đoạn cận Tết Nguyên đán 2022 của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đất nền tại nhiều tỉnh phía Bắc ghi nhận mức tăng mạnh. Theo đó, các địa phương như Hà Nam tăng 36%, Hưng Yên tăng 21%, Bắc Giang tăng 22% và Hòa Bình tăng 18% so với tháng 11-2021.
Các khu vực lân cận Hà Nội hứa hẹn sẽ khởi sắc trong năm 2022. Riêng trong quý cuối năm 2021, 4 tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình ghi nhận lượng giao dịch bất động sản khá lớn với gần 2.000 giao dịch. Giá đất tại các địa phương này cũng tăng 20-50%, đặc biệt có những thị trường tăng giá gần 100% so với năm 2020 như Bắc Ninh (mức giá từ 40 triệu đồng/m2), Thái Nguyên (mức giá từ 25 triệu đồng/m2), Bắc Giang (mức giá từ 30 triệu đồng/m2).
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cũng đưa ra đánh giá hiện nay thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển, phân khúc này sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2022.
Bất động sản công nghiệp có nhiều cơ hội
Trong năm 2022, các khu đô thị sẽ phát triển mạnh mẽ sau thời gian bị chững lại cho ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đó là dự báo của ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam.
Theo ông Neil MacGregor, trong phân khúc bất động sản nhà ở, các khu đô thị sẽ phát triển mạnh. Xu hướng là các nhà đầu tư và các đơn vị phát triển bất động sản sẽ chuyển sang tìm kiếm những khu đô thị vệ tinh, khi mà nguồn cung nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đang thiếu hụt. Trong khi đó, hạ tầng làm cầu nối giữa các thành phố lớn với các khu đô thị đang hoàn thiện dần giúp việc di chuyển của người dân cũng dễ dàng hơn.
Sự phát triển của hạ tầng giao thông đã giúp bất động sản công nghiệp của các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Giang, Bắc Ninh vươn lên mạnh mẽ
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự báo với sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong phân khúc bất động sản khu công nghiệp. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2021.
Với bất động sản công nghiệp và logistics, Savills Việt Nam cho rằng phân khúc sẽ tiếp tục tăng vọt trong năm 2022. "Bất động sản công nghiệp là phân khúc được săn đón trong vài năm qua, tôi tin rằng điều này sẽ còn tiếp diễn và tạo đà tăng trưởng khi những nhà máy sản xuất bắt đầu đặt cơ sở tại Việt Nam để đầu tư vào các dự án xí nghiệp mới"- Tổng Giám đốc Savills Việt Nam dự báo.
Các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... được dự báo tiếp tục giữ vững phong độ trong phân khúc bất động sản công nghiệp. Với 15 dự án, năm 2021, Bắc Ninh đang dẫn đầu miền Bắc với tổng diện tích khu công nghiệp là 5.797 ha và đạt tỉ lệ lấp đầy trung bình năm là 99%.
Cũng trong năm 2021, bên cạnh Bắc Ninh, Hà Nội có tỉ lệ lấp đầy tăng nhẹ 1%, đạt 91% với 13 dự án. Hải Dương với sức tăng là 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tỉ lệ lấp đầy là 86% với 10 dự án. Vĩnh Phúc và Hưng Yên cùng ở mức cao hơn là 88%. Đây là các con số cho thấy bất động sản công nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng.
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng kỳ vọng phục hồi trong năm 2022
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong thời gian qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Thanh khoản của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, shophouse hay biệt thự biển giảm mạnh. Bước sang năm 2022, phân khúc này kỳ vọng sẽ "bật dậy" sau những nỗ lực khôi phục, mở cửa du lịch của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng kỳ vọng phục hồi trong năm 2022
Dự báo về loại hình bất động sản này trong năm 2022, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng và phục hồi và có những gam màu sáng khi du lịch từng bước được mở cửa với lộ trình thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Ông Thịnh cũng nhấn mạnh, sự khởi sắc của bất động sản nghỉ dưỡng đến đâu sẽ phụ thuộc vào mức độ mở cửa của du lịch.
Có cái nhìn thận trọng hơn, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Việt Nam, nhấn mạnh, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Theo nhiều dự báo, phải đến năm 2023, ngành du lịch mới có thể quay trở lại như năm 2019 trở về trước và khi đó bất động sản nghỉ dưỡng mới thực sự sôi động trở lại.
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cho biết một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thế mạnh vượt trội ở các địa phương mạnh về du lịch sẽ có tín hiệu tích cực.
Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường bất động sản quý IV/2021. Theo báo cáo, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm.
Cũng theo Bộ Xây dựng, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Hà Nội.
Chẳng hạn như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì 45%, một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh tăng 20%, Hưng Yên tăng 26%. Ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP HCM; TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền "nóng" cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn như thông tin quy hoạch sân bay Téc-níc tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng...
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt. Nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lo ngại đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022.
Bình luận (0)