Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng vừa được bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) công bố, lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm nay sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
SSI Research ước tính nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm. Dựa trên số liệu sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước vào quý I-2020, có khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ cho vay, chiếm 23% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế bị ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch Covid-19. Khi đại dịch kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ tiếp tục tăng lên.
Các ngân hàng sẽ phải đưa khoản vay này vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu. Do đó, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn; một phần thu nhập lãi được ghi nhận trong nửa đầu năm nay có thể bị giảm do khoản nợ này bị hạ xếp loại tín nhiệm…
Lợi nhuận của các ngân hàng những tháng cuối năm được dự đoán sẽ giảm mạnh. Ảnh: Lam Giang
Các chuyên gia của SSI Research phân tích, những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi kéo dài từ nay đến cuối năm, sẽ khiến biên độ lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng thu hẹp.
Trong bối cảnh này, các ngân hàng phải đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, dù thời hạn của Thông tư 01 về miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 có thể được kéo dài. Do đó, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm của các ngân hàng được ước tính sẽ giảm 22,1% so với cùng kỳ, do thu nhập hoạt động giảm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh.
"Năm 2020, các ngân hàng thương mại nhà nước chịu nhiều áp lực hơn từ cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ khách hàng giai đoạn đại dịch, còn ngân hàng cổ phần vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa hỗ trợ khách hàng và bảo đảm mức lợi nhuận hợp lý. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay của ngân hàng thương mại nhà nước được dự báo giảm 15,9%, trong khi vẫn tăng 3,3% đối với ngân hàng cổ phần" - SSI Research dự đoán.
Công ty CP FiinGroup (chuyên về dữ liệu tài chính, phân tích ngành và xếp hạng tín nghiệm độc lập tại Việt Nam) cũng vừa công bố báo cáo phân tích triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng, được thực hiện từ số liệu của 19 ngân hàng niêm yết, chiếm 63,3% dư nợ toàn hệ thống.
FiinGroup nhận định lợi nhuận năm 2020 của các ngân hàng niêm yết dự kiến tăng 4,9% so với năm trước. Kế hoạch này khá thận trọng nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng trong nửa đầu năm nay.
Trong quý II-2020, lợi nhuận sau thuế của 19 ngân hàng niêm yết tăng 16,2% so với quý trước và tăng 22,5% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này có sự đóng góp đáng kể từ việc cắt giảm chi phí hoạt động; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm 19,4% so với quý trước một phần do tác động từ Thông tư 01 chưa phản ánh đầy đủ ảnh hưởng của đại dịch tới lợi nhuận các ngân hàng.
Cụ thể, Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng hạch toán dư nợ tín dụng được cơ cấu cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là nợ đủ tiêu chuẩn và không phải trích lập dự phòng.
"Nhưng khi các chính sách này thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận của ngân hàng chịu tác động đáng kể. Đó cũng là lý do các ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong năm 2020 ở mức khá khiêm tốn", các chuyên gia của FiinGroup nhận định.
Bình luận (0)