xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xoay trở trong "mùa" dịch Covid-19: Ngân hàng đẩy mạnh nguồn vốn rẻ

THÁI PHƯƠNG

Các ngân hàng đang quyết liệt tiết giảm chi phí để giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, làm tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã chỉ đạo ngành NH triển khai mạnh mẽ các giải pháp tại Thông tư 01 về hỗ trợ miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp (DN); nghiên cứu để đa dạng hình thức tổ chức kết nối NH-DN nhằm kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng…

Giảm lãi vay

Xu hướng giảm lãi suất đầu vào đang tiếp tục diễn ra ở nhiều NH thương mại. Mới đây, cả 4 NH thương mại nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đều giảm thêm từ 0,1-0,2 điểm % lãi suất huy động ở các kỳ hạn, trong đó lãi suất kỳ hạn ngắn 1-2 tháng hiện chỉ còn 3,5%/năm.

Tại nhiều NH thương mại cổ phần khác, làn sóng giảm lãi suất đầu vào đã diễn ra thời gian qua. Hiện mức lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường kỳ hạn ngắn được ghi nhận tại NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chỉ 3,15%/năm kỳ hạn 1 tháng, khách hàng dưới 50 tuổi gửi dưới 1 tỉ đồng…

Xoay trở trong mùa dịch Covid-19: Ngân hàng đẩy mạnh nguồn vốn rẻ - Ảnh 1.

Các ngân hàng thương mại đang triển khai hàng loạt giải pháp để giảm lãi suất cho vay cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ .Ảnh: TẤN THẠNH

Báo cáo chiến lược thị trường tháng 8 của Công ty Chứng khoán SSI thông tin lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn đã được điều chỉnh giảm từ 0,5 - 0,8 điểm % so với tháng trước. Thanh khoản hệ thống NH vẫn ở trạng thái dư thừa với lãi suất liên NH rất thấp, tăng trưởng tín dụng thấp hơn tốc độ tăng của huy động vốn.

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 7, huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là 5,71%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 4,03%. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế còn thấp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Do đó, việc lãi suất đầu vào tiếp tục được điều chỉnh giảm là cơ sở để có thể hạ thêm lãi suất cho vay.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho biết lãi suất đi xuống phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trên thị trường thời điểm hiện tại, theo cung cầu và góp phần vào điều chỉnh chính sách tiền tệ.

"Thời gian qua, VietinBank đã hỗ trợ DN và khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 từ giảm lãi vay, miễn giảm phí, đến cắt giảm chi phí hoạt động và cả lợi nhuận. Trong câu chuyện giảm lãi vay thực chất để góp phần bớt chi phí vốn cho DN thật sự, các NH thương mại nhà nước đã vào cuộc mạnh mẽ. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch" - ông Lê Đức Thọ nói.

Tính trong nửa đầu năm 2020, VietinBank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và văn bản hướng dẫn của NHNN. Đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, VietinBank đã hỗ trợ hạ lãi suất lên tới 2%/năm, trung bình ở mức 0,6%/năm cho gần 9.000 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất lên tới hơn 242.000 tỉ đồng…

Tương tự, NH TMCP Quốc tế (VIB) đang tiếp tục áp dụng chính sách giảm lãi suất tự động từ 0,5-2 điểm % cho các DN hiện hữu vay trung, dài hạn mà không cần DN đề nghị hỗ trợ hay chứng minh khó khăn. VIB cũng nghiên cứu các gói hỗ trợ khác tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), từ đầu năm đến nay đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cá nhân và DN bị ảnh hưởng dịch Covid -19. Tổng dư nợ tín dụng mà NH này đã thực hiện giảm lãi suất, cơ cấu nợ, cho vay ưu đãi lên tới hơn 10.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm và dự kiến đến cuối năm sẽ hỗ trợ khách hàng với tổng dư nợ thêm khoảng 20.000 tỉ đồng.

"Chúng tôi sẽ tiết giảm chi phí hoạt động, triển khai thêm nhiều chương trình mới nhằm hỗ trợ về vốn, lãi suất cho khách hàng ổn định kinh doanh những tháng cuối năm. Hoạt động này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của NH trong các quý tiếp theo nhưng vẫn quyết liệt triển khai để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này" - đại diện Nam A Bank cho hay.

Mở rộng chương trình bảo lãnh của Chính phủ

Trong văn bản về triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của ngành NH, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 đối với các tổ chức tín dụng đáp ứng tốt tỉ lệ bảo đảm an toàn, có khả năng mở rộng tín dụng nhưng không làm tăng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, NHNN khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 về miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ theo hướng phù hợp thực tiễn và tạo điều kiện cho DN, tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế.

Đặc biệt, các NH thương mại cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương - thưởng, lợi nhuận để tiếp tục hạ lãi vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng DN, người dân góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bản Việt, nhận định trong bối cảnh bức tranh khó khăn chung, khả năng hấp thụ vốn của DN chưa cao nên tăng trưởng tín dụng khó đẩy mạnh. Vì vậy, mặt bằng lãi suất còn có thể giảm thêm tùy phân khúc khách hàng, ngành nghề.

Để ứng phó dịch Covid-19 thời điểm này, mỗi NH thương mại cần đồng thời cùng khách hàng bằng những công cụ, quy định NHNN đã ban hành; quản lý chặt chẽ chi phí, năng suất lao động; thận trọng trong đầu tư, cho vay trong những ngành hàng không thiết yếu…

Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ NH, ĐHQG TP HCM, phân tích DN nhỏ và vừa, hộ gia đình, cá nhân vay tiêu dùng là những đối tượng bị tổn thương lớn vì dịch Covid-19 và khả năng chịu đựng tổn thương kém hơn nhiều lần so với các DN lớn. Đây cũng là nhóm khó tiếp cận tín dụng NH thông thường và càng khó khăn hơn khi tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.

Lúc này, Chính phủ cần thực hiện việc dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía mình bởi vì khi thấy sự không chắc chắn, các NH sẽ hạn chế cho vay. Do đó, nhằm khơi thông dòng vốn đến được các DN thuộc đối tượng hỗ trợ, Chính phủ cần phải chấp nhận hấp thụ rủi ro này. Chính phủ có thể thực hiện thông qua các định chế tài chính thuộc sở hữu nhà nước hoặc mở rộng các chương trình bảo lãnh tín dụng của nhà nước sang NH tư nhân nhưng vẫn trên cơ chế đồng chia sẻ để hạn chế vấn đề rủi ro đạo đức trong cấp phát tín dụng. Việc thực hiện bảo lãnh tín dụng của nhà nước ở đây sẽ đóng vai trò tương tự như bảo đảm tiền gửi và người cho vay cuối cùng.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-8

“Bối cảnh dịch bệnh đang tạo ra sự thay đổi trong thói quen thanh toán di động của khách hàng cũng giúp các NH cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số để vừa phù hợp với xu thế chung và cùng phòng tránh lây nhiễm Covid-19. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những cập nhật, điều chỉnh quy định liên quan để hệ thống NH thương mại có thêm công cụ và nguồn lực nhằm tiếp tục đồng hành cùng khách hàng giai đoạn khó khăn này” - ông Ngô Quang Trung nói.

Cần sớm kiểm soát dịch bệnh

Một lo ngại khác được TS Trần Hùng Sơn đưa ra, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm ở mức thấp trong nhiều năm qua. Vì dư thừa vốn nên các NH đã chuyển sang nắm giữ trái phiếu NH và trái phiếu Chính phủ. Cộng thêm khi đại dịch kéo dài, DN lo ngại nền kinh tế sẽ phục hồi chậm trong 6 tháng đến 1 năm tới, họ cũng tiếp tục trì hoãn đầu tư và điều này gây trở ngại cho việc phục hồi tăng trưởng…

Về phía các NH thương mại, lãnh đạo nhiều NH cho rằng quan trọng nhất trong việc tăng khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế lúc này chính là kiểm soát tốt dịch bệnh để nhu cầu thị trường trở lại. Theo ông Lê Đức Thọ, các NH đã rất chủ động hỗ trợ DN và khách hàng với nhiều giải pháp nhưng quan trọng nhất vẫn là nhu cầu từ thị trường, cả trong nước và xuất khẩu. Khi thị trường trong nước hồi phục, nhu cầu về đầu tư, mua sắm, tiêu dùng… tăng lên sẽ kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và cả nhu cầu vay vốn của thị trường.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo