Thủ đoạn mới nhất của các đối tượng lấy cắp tiền trong tài khoản của khách hàng được Vietcombank cảnh báo là việc một số khách hàng chuyển tiền không đúng người hưởng do bị "hack email" (tin tặc xâm nhập trái phép email của khách hàng hoặc đối tác để thay đổi thông tin người hưởng trên các chứng từ giao dịch).
Sau khi bị mất tiền, khách hàng yêu cầu Vietcombank hỗ trợ đòi tiền từ ngân hàng (NH) nước ngoài nhưng rất khó vì hacker (tin tặc) thường rút tiền khỏi tài khoản ngay khi nhận được tiền hoặc thủ tục đòi tiền rất phức tạp của NH nước ngoài.
Theo Vietcombank, các dấu hiệu nhận biết giao dịch lừa đảo là hợp đồng và các giao dịch liên quan đến thực hiện hợp đồng (thông báo giao hàng, hóa đơn đòi tiền, thương lượng…) đều thực hiện qua email. Bên xuất khẩu và bên nhập khẩu không xác nhận giao dịch bằng các hình thức liên lạc khác.
Hacker hướng tới chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty có tính bảo mật, an toàn trong hệ thống quản trị mạng chưa cao hoặc thiếu quy định về an toàn khi sử dụng email. Thông tin thanh toán đột ngột thay đổi; địa chỉ quốc gia của người hưởng khác với địa chỉ quốc gia của NH hưởng…
Với thủ đoạn hack email, các thị trường tin tặc yêu cầu chuyển tiền đến thường là Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Mỹ, đặc biệt ở châu Âu là Anh do nước này các ngân hàng thực hiện ghi có cho khách hàng theo số tài khoản mà không kiểm tra tên tài khoản.
Các NH khuyến cáo chủ thẻ ATM, chủ tài khoản cần bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị lợi dụng, lừa đảo
Trước đó, Vietcombank, BIDV… cũng nhiều lần cảnh báo về tình trạng kẻ gian lập các trang thông tin điện tử (website) giả mạo có tên miền gần giống trang web của NH nhằm lấy cắp thông tin của khách hàng để thực hiện các hành vi gian lận. Việc giả mạo website của các doanh nghiệp, NH có xu hướng gia tăng tại thị trường Việt Nam gần đây, đã ảnh hưởng tới hình ảnh của doanh nghiệp, NH bị giả mạo và đặc biệt trong nhiều trường hợp làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi, tài sản của khách hàng.
BIDV mới đây còn cảnh báo tình trạng xuất hiện website hướng dẫn thông tin sai lệch về số điện thoại tổng đài chăm sóc khách hàng của BIDV và một số NH khác nhằm lừa đảo khách hàng gọi điện để lợi dụng, trục lợi từ phí kết nối tổng đài của khách hàng. Để phòng tránh nguy cơ bị lợi dụng, lừa đảo, BIDV khuyến cáo khách hàng chỉ liên hệ với tổng đài của NH này qua các kênh chính thức.
Trong khi đó, một số vụ kẻ gian lắp đặt camera, thiết bị trên máy ATM rồi đánh cắp thông tin thẻ, làm thẻ giả rút tiền tiếp tục xảy ra, được cơ quan công an phát hiện và bắt giữ.
Theo các NH, thiết bị đánh cắp thông tin thẻ có thể được kẻ gian gắn vào bên trong khe đọc thẻ, bao toàn bộ phần ngoài của khe đọc thẻ, lỗ trong khe đọc thẻ có dấu hiệu được gắn thiết bị nghe lén hoặc giả mạo các thiết bị chống gian lận, camera bí mật ghi lại thao tác nhập mã PIN. Bàn phím giả đánh cắp mã PIN của chủ thẻ được lắp đè lên bàn phim thật…
Đại diện Maritime Bank khuyến cáo khi giao dịch thẻ trên máy ATM, chủ thẻ cần quan sát thật kỹ khe đọc thẻ, khu vực phía trên đối diện bàn phím, vị trí phía trên màn hình ATM, bên trong thiết bị che bàn phím hoặc bàn phím ATM bởi đây là những vị trí có nguy cơ bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ. Để bảo đảm an toàn khi giao dịch, chủ thẻ nên kiểm tra máy ATM trước khi giao dịch nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường, luôn che bàn phím khi nhập mã PIN để tránh bị lộ PIN khi giao dịch…
Gần đây, tội phạm trong lĩnh vực NH, đặc biệt là tội phạm thẻ gia tăng mạnh cùng với xu hướng tăng của các giao dịch qua máy ATM, qua Internet Banking, Mobile Banking. Một số NH nhìn nhận tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp. Theo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), việc các nước trong khu vực và trên thế giới đã, đang đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip khiến Việt Nam trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ với các vụ giả mạo thẻ skimming ngày càng gia tăng.
Bình luận (0)