Ngày 20-12, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hướng Hóa
Huyện miền núi Hướng Hóa nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị với 3 dân tộc chính gồm Kinh, Vân Kiều và Pa Kô. Đây là huyện nằm trên tuyến Quốc lộ 9, có Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo nối liền với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar.
Khí hậu Hướng Hóa tương đối ôn hoà, nhiệt độ bình quân cả năm là 22 độ C.
TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, khẳng định huyện Hướng Hóa có địa chính trị, địa tự nhiên rất độc đáo trong lịch sử. Theo chiều Đông - Tây, đây là một huyết mạch trên con đường giao thương giữa miền núi và miền biển từ ải Ai Lao (Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo bây giờ). Theo chiều Nam - Bắc, thì đây cũng là một điểm then chốt, có một cộng đồng chủ thể người Bru - Vân Kiều rất độc đáo trong lịch sử Việt Nam.
Một địa điểm du lịch chuẩn bị hoàn thành trên địa bàn xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa
Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Hướng Hóa, ngoài những lợi thế trên, huyện có không gian lễ hội đặc sắc, phong phú của cộng đồng dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.
Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, khi Hướng Hóa trở thành trung tâm năng lượng của toàn tỉnh, thì điện gió đã trở thành "tiềm năng đặc biệt" cho du lịch. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có nhiều mô hình du lịch homestay, farmstay được triển khai thí điểm đem lại hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch.
"Số lượng khách du lịch đến huyện Hướng Hóa những năm được duy trì ổn định. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2022, các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã đón trên 120.000 lượt khách, tăng gấp 6 lần so với thời điểm chưa có dịch COVID-19 (năm 2019)" - bà Huyền thông tin.
Một mô hình du lịch hút khách du lịch ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa
Theo TS Trần Đình Hằng, trong lộ trình chính sách hiện nay, cần phải hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển du lịch của từng địa phương.
"Vấn đề đặt ra là du lịch cộng đồng, chúng ta có cộng đồng nhưng thiếu du lịch. Du lịch là một nghề, chúng ta cần kỹ nghệ hóa về mặt kinh tế du lịch để áp dụng. Từ đó, chúng ta nuôi dưỡng được môi trường tự nhiên, nuôi dưỡng được mạch nguồn văn hóa và tái tạo sinh kế, làm cho người dân tăng lòng tự hào. Chính đó là nguồn lực chúng ta gọi là phát triển bền vững" - TS Trần Đình Hằng nói đồng thời khẳng định cần phải tôn trọng tính chủ động của chủ thể, của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Bởi theo TS Trần Đình Hằng, không ai khác mà chính các cơ quan nhà nước, các cộng đồng làng bản, chính những doanh nghiệp sẽ là người nắm rõ nhất, thấm nhất di sản mình đang có.
Du lịch cộng đồng gắn với rừng
Giữa tháng 12-2022, tại khu du lịch cộng đồng Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa), Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) đã công bố 5 cánh rừng tự nhiên do cộng đồng dân cư quản lý được chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ CO2. Đây là 5 cánh rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam nhận chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái. MCNV đang đàm phán với một doanh nghiệp tại Hà Lan để bán tín chỉ CO2 với giá 10 USD mỗi tấn.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (tỉnh Quảng Ngãi), đánh giá đây là lợi thế, động lực rất lớn để huyện Hướng Hóa xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với rừng.
"Việc bán tín chỉ carbon và những dịch vụ gắn với môi trường rừng là cơ chế tài chính bền vững giúp cộng đồng nâng cao và phát triển sinh kế. Từ đó, cũng sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, cũng như tự nhiên tại huyện Hướng Hóa" - bà Kiều nói.
Bình luận (0)