Trước hết, TP HCM là một TP năng động, hào hiệp, nghĩa tình với phong cách rất riêng.
Khai thác tiềm năng
Dù bị cạnh tranh quyết liệt, du lịch TP HCM vẫn chiếm gần 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2017, TP đón 6,3 triệu khách nước ngoài, tăng 22,9% so với năm 2016, doanh thu đạt gần 116.000 tỉ đồng, tăng 12,6%.
Từ lâu, TP HCM có súc hút riêng về lịch sử, kiến trúc và văn hóa. Địa đạo Củ Chi - kỳ quan của lòng yêu nước. Rừng ngập mặn Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển thế giới với môi trường đa dạng, độc đáo nhưng vẫn hoạt động cầm chừng như mơ màng ngủ đông. Du lịch đường sông, vốn là thế mạnh của nhiều TP trên thế giới, chỉ mới chuyển mình để thu hút du khách. Cái khó nhất hiện nay của du lịch TP HCM, mà cũng là của cả nước là sản phẩm cũ và đơn điệu.
Ẩm thực là một thế mạnh mà du lịch TP HCM cần khai thác Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Gần đây, TP có những nỗ lực đột phá như hình thành phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Đường sách Nguyễn Văn Bình, phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (quận 1), phố Ẩm thực (quận 6), phố Đông y, phố Vàng bạc (quận 5)… Chương trình nghệ thuật có À ố show, Áo dài show. Tuyến du lịch đường sông được khởi động và một số sự kiện du lịch, mà gần nhất là giải Marathon TP HCM với hơn 8.000 vận động viên tham dự thuộc nhiều quốc tịch. Tuy nhiên, TP vẫn đang đối mặt các tệ nạn xã hội nhức nhối, từ cướp giật, ma túy, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho đến lòng lề đường, giao thông, "chặt chém" khách…
Nhiều người cho rằng cái thiếu lớn nhất của TP hiện nay là những dự án khả thi và các chính sách cụ thể để người dân và doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư.
Du lịch TP được kết nối theo trục tam giác "Nội thành (trung tâm là quận 1) - Củ Chi - Cần Giờ". Củ Chi phải là trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử chứ không chỉ có địa đạo. Cần Giờ là trung tâm du lịch sinh thái, vườn chim, đặc biệt là các môn thể thao cảm giác mạnh gắn với du lịch và trekking (giải trí ngoài trời). Có lộ trình tạo điểm nhấn cho du lịch đường sông phát triển tương xứng. TP cũng cần có công viên du lịch như các nước để thu hút khách nước ngoài.
Về lâu dài, TP HCM phải là TP không ngủ. Xin đừng ta thán "lực bất tòng tâm". Tâm là của mình, lực cũng do mình. Cũng hãy thôi kêu ca "nhân lực thiếu và yếu". Thiếu thì bổ sung. Mấy trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp sao không tuyển vào? Yếu thì đào tạo bổ sung, kiểu vừa làm vừa học, một kèm một. Con người tạo ra cản trở thì cũng có thể dẹp bỏ nó. Vấn đề là có làm, làm triệt để hay chỉ nửa vời.
Phải bắt đầu từ nguồn nhân lực với những người có tư duy mới, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Để có được những thành tựu đột phá, phải có những tư duy đột phá. Phải thay đổi nhận thức để chuyển biến thành hành động cụ thể.
Cần nhiều giải pháp
Đề xuất với trung ương đơn giản hóa thủ tục cấp visa, nhất là cửa khẩu đường bộ. Mạnh dạn miễn visa cho các thị trường trọng điểm có nguồn khách đông, ổn định và cả những thị trường tiềm năng...
Điều kiện tiên quyết để đột phá là sự yên bình và an ninh xã hội. Các vấn nạn cướp giật, "chặt chém", trấn lột du khách; vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, giao thông hỗn loạn phải có lộ trình dứt điểm cụ thể. Chậm trễ là đuổi khách, là đổ sông đổ biển bao công sức quảng bá.
Những thay đổi không tốn kém, ai cũng có thể làm được như sự hiếu khách, thân thiện, niềm nở từ người dân cho đến nhân viên phục vụ du khách, nhất là tại các cửa ngõ như sân bay Tân Sơn Nhất. Chưa thể cạnh tranh với các đối thủ khu vực về chất lượng dịch vụ nhưng thua kém về tinh thần và thái độ phục vụ thì phi lý. Cần thiết đưa nội dung này vào chương trình giáo dục từ mẫu giáo, để 10 năm sau, có một lớp công dân mẫu mực, thân thiện với du khách.
Chưa cần nhà vệ sinh bạc tỉ hay 4-5 sao để lấy điểm. Thay vào đó là những nhà vệ sinh sạch, thoáng. Vận động khách sạn, nhà hàng mở cửa cho khách vãng lai đi vệ sinh khi có nhu cầu. Trong giấy phép hoạt động của khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu bắt buộc phải có nhà vệ sinh và có nghĩa vụ hỗ trợ TP giải quyết "đầu ra" cho du khách.
Cần tận dụng để phục vụ du khách như các nước đã làm. TP phải có quy hoạch hàng rong như đồ lưu niệm, nước uống, ăn nhẹ, đánh giày, đổi tiền… Hàng lưu niệm của Việt Nam nói chung và TP nói riêng vẫn quá nghèo nàn. Trong khi đây là nguồn thu cũng là cách quảng bá thực tế mà hiệu quả. Mở rộng đường sách và phố đi bộ ra các đường có lề rộng cạnh đó. Người bán cũng là người hướng dẫn cách làm hàng thủ công đơn giản nhưng độc đáo.
TP có hàng chục bảo tàng nhưng hoạt động èo uột, hiện vật nghèo nàn, trình bày đơn điệu; trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Có nơi còn kết hợp cho thuê mặt bằng, làm tiệc cưới; chỉ mở cửa giờ hành chính… Quan tâm đến những bộ sưu tập cá nhân, chẳng hạn sưu tập 30.000 đồng hồ ở Bình Chánh đang "đóng bụi".
Ẩm thực là mặt mạnh nhất của du lịch Việt Nam nhưng chưa được quan tâm khai thác. Nhất thiết phải nghĩ tới chuyện đặt tên món ăn Việt Nam chứ không gọi chung chung và cụt ngủn kiểu cơm chiên, canh chua, cá kho… như hiện nay. Đặc biệt, chú ý sưu tầm các món ngon dân dã. TP dứt khoát có 5-7 chợ đêm đúng nghĩa như ở Chiang Mai, Bangkok (Thái Lan), Hồng Kông, Đài Loan...
TP mang tên dòng sông ôm ấp, có nhiều kênh rạch mà du lịch đường sông cứ loay hoay, ì ạch thì vô lý. Tàu du lịch trên sông của thiên hạ là để ngoạn cảnh, chỉ uống và ăn nhẹ. Còn tàu trên sông ở TP thì ăn uống là chủ yếu, còn thêm ca nhạc, tạp kỹ nên mắt đâu mà ngắm, tai đâu mà nghe vì thưởng thức ẩm thực phải sử dụng cả 6 giác quan của cơ thể. Cần tạo bến bãi cho khách lên xuống thoải mái, đơn giản thủ tục xuất nhập bến. Kiến nghị với trung ương khai thông bế tắc ở kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) để thông suốt đường thủy quốc tế nối TP với Phnom Penh (Campuchia).
TP có ưu thế làm du lịch MICE nhưng thiếu đồng bộ và chưa có quy hoạch nên rất khó phối hợp. Có chính sách khuyến khích đầu tư để có những đoàn MICE lớn. Các sản phẩm đặc thù ở Củ Chi và Cần Giờ phải không ngừng đổi mới để kéo khách quay lại. Nghiên cứu đề xuất làm sông hoa (chợ nổi hoa) và thay đổi tư duy làm đẹp TP. Đoạn tuyệt với các hội chợ và sự kiện trong công viên, các sân khấu ồn ào bát nháo và tốn kém. Hãy để khách chủ động tham gia các sự kiện, hoạt động, không bao cấp như hiện nay. Quan tâm tới các tập đoàn lữ hành hàng đầu của thế giới. Giữ quan hệ gắn bó, tạo điều kiện cho họ hoạt động, kéo khách vào Việt Nam và TP HCM.
Rất nhiều việc phải làm, cái nào cũng quan trọng. Không thể dàn hàng ngang triển khai mà phải biết chọn lựa và ưu tiên những việc phù hợp. Thiên hạ cũng đang rất nỗ lực, do vậy TP cần cố gắng gấp đôi để diện mạo du lịch sớm thay đổi.
Phải chạy nước rút
Làm sao để lượng khách nước ngoài vào TP mỗi năm tăng 20% trở lên, sắp tới tối thiểu phải tăng gấp đôi hiện nay. Thiên hạ chạy đều thì ta phải chạy nước rút để thu hẹp khoảng cách. Năm 2017, TP HCM đón 6,3 triệu khách quốc tế, trong khi Hồng Kông là 25,7 triệu, Bangkok hơn 23,3 triệu, Singapore 17,6 triệu, Macau 16,3 triệu, Thâm Quyến 13 triệu, Kuala Lumpur 12,8 triệu. Các địa danh này đều có diện tích nhỏ hơn TP HCM. Nếu 5 năm tới, tăng gấp đôi là 13 triệu lượt khách quốc tế thì dù Bangkok dừng lại chờ, TP HCM vẫn chưa thể tiệm cận, nói chi đuổi kịp.
Bình luận (0)