Nhiều điểm bất cập, không phù hợp đã được các đại biểu là đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) các tỉnh phía Nam, các luật sư chỉ ra tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 14-4 ở TP HCM.
Một đại biểu đánh giá dự luật với 4 chương, 39 điều nhưng không quy định được gì, chỉ là một cái khung với một số điều rất khó hiểu. Rất nhiều quy định, điều khoản trong dự luật chỉ mang tính chung chung nên nếu muốn luật này đi vào cuộc sống thì phải sửa hàng loạt luật khác.
Nhiều đại biểu nêu cụ thể chỉ nên hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ chứ không thể hỗ trợ chung cho cả DN vừa, DN hoạt động dịch vụ. Nếu hỗ trợ hết toàn bộ DN nhỏ và vừa thì chiếm đến 97% số DN đang hoạt động tại Việt Nam; gây ra bất bình đẳng với 3% DN còn lại và có thể dẫn đến sự phân tán DN lớn thành DN nhỏ và vừa để được hưởng ưu đãi.
Theo ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, DN các địa phương không nhận được sự hỗ trợ nào đáng kể, nếu không muốn nói là không được hỗ trợ gì. Vì vậy, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cần quy định rõ cơ quan, đơn vị nào sẽ thực hiện việc hỗ trợ. Quan trọng hơn là nâng cao vai trò của địa phương và hiệp hội để các chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả, đến đúng đối tượng.
Riêng về hỗ trợ tín dụng, trước đây, dự thảo nêu vấn đề các ngân hàng thương mại phải dành 30% cho vay DN nhỏ và vừa nhưng sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, ban soạn thảo đã bỏ quy định này và sửa đổi theo hướng hỗ trợ phải đến từ ngân sách và có chính sách riêng theo từng thời kỳ. Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật cũng có chính sách hỗ trợ riêng cho DN nhỏ và vừa bởi đây là khu vực yếu thế vì quy mô nhỏ, không thể cạnh tranh được với DN có quy mô lớn trong cùng sân chơi nếu không có chính sách riêng.
Chỉ hỗ trợ 3 nhóm
Trao đổi với phóng viên về dự luật trên, ông Lê Văn Khương, Trưởng Phòng DN nhỏ và vừa Cục Phát triển DN, cho rằng chính sách hỗ trợ sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không lấy nguồn lực của nhà nước để chia cho tất cả DN. Do đó, dự thảo luật quy định chỉ có 3 nhóm được hỗ trợ, gồm các DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo Nghị quyết 35 của Chính phủ; nhóm DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhóm DN tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. T.Hà
Bình luận (0)