Nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đã tạm ngừng dịch vụ bán hàng miễn thuế trên các chuyến bay nhập cảnh vào Việt Nam kể từ ngày 1-9.
Mời gọi các thương hiệu lớn
Đáng lưu ý là cùng với việc tạm đóng lại dịch vụ này, VNA đang tiếp xúc, đàm phán với một số công ty bán hàng miễn thuế nổi tiếng trên thế giới để chào mời họ cùng tham gia với mục đích nâng dịch vụ này lên đúng tầm quốc tế. Những tên tuổi được đại diện VNA đề cập gồm có DFS Group (Mỹ), King Power (Thái Lan)… "Chúng tôi cố gắng trong khoảng 1-2 tháng tới sẽ mở lại dịch vụ với chất lượng tốt hơn, sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú hơn. Khi hợp tác với các nhà cung cấp hàng đầu thế giới, VNA sẽ tận dụng được mạng lưới, kinh nghiệm, cách làm của họ. Còn nếu tiếp tục phối hợp với Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài (NASCO) để tự tổ chức như hiện nay, chi phí sẽ cao hơn và hiệu quả không bằng những công ty đã có tiếng trên thế giới" - vị lãnh đạo này chia sẻ. Với sự hợp tác mới, VNA sẽ có vai trò như một "shop", NASCO và các đối tác nước ngoài là đơn vị tổ chức cung ứng hàng hóa, kho vận tại các kho hàng danh tiếng ở các nước trong khu vực.
Vietnam Airlines đã tạm dừng dịch vụ bán hàng miễn thuế trên máy bay của hãng sau gần 2 năm hoạt động. Ảnh: Tấn Thạnh
Trước đó, với yêu cầu phải có dịch vụ bán hàng miễn thuế trên máy bay để đáp ứng theo tiêu chuẩn hãng hàng không 4 sao, năm 2014, VNA đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cho phép mở lại dịch vụ bán hàng miễn thuế trên máy bay. Đây cũng là nguồn thu bổ sung cho VNA và là yếu tố bình đẳng khi luật pháp cho phép các hãng hàng không nước ngoài bay đến Việt Nam được bán hàng miễn thuế để phục vụ khách xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh trong khi các hãng hàng không nội địa lại không được. Tháng 11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương này và cho phép các hãng hàng không nội địa được bán hàng miễn thuế trên các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam. Trên cơ sở đó, VNA đã phối hợp với NASCO mở dịch vụ này từ ngày 1-1-2016, trên chuyến bay VN141 từ Incheon (Hàn Quốc) về Hà Nội, khai thác bằng máy bay A350, là một phần trong cả gói dịch vụ cung cấp cho hành khách, bên cạnh mục đích kinh doanh mang lại doanh thu và lợi nhuận.
Sau hơn 1 năm triển khai, cả 2 bên đánh giá hiệu quả không được như mong muốn nên thống nhất tạm dừng để tổ chức lại với yêu cầu cao hơn về chất lượng và hiệu quả dịch vụ. Trong tương lai, dịch vụ này phải được tổ chức như thông lệ quốc tế với khả năng cho phép hành khách đặt hàng trên website và nhận hàng trên máy bay. Hoặc hành khách có thể đặt hàng trên máy bay (qua catalogue) và nhận hàng giao tận nhà.
Nước hoa, mỹ phẩm bán chạy
Trước khi tạm dừng dịch vụ, VNA thực hiện bán hàng miễn thuế trên các chuyến bay có hành trình từ 3 giờ trở lên, tại các đường bay đến Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và châu Âu. VNA cho biết đối tượng khách mua sắm hàng miễn thuế trên máy bay nhiều nhất là khách Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc. Các mặt hàng được ưa chuộng nhất trên máy bay VNA là nước hoa, mỹ phẩm và rượu tây. So với "thiên đường mua sắm" là các cửa hàng miễn thuế trong các sân bay quốc tế thì hàng miễn thuế trên các chuyến bay không thể sánh được về tiện ích như sự đa dạng của các mặt hàng, không có sản phẩm dùng thử.
Tuy nhiên, đó lại là sự bổ trợ cho các hãng hàng không tăng thêm nguồn thu và giúp hành khách có thêm thời gian mua sắm trong các chuyến xuất ngoại. Bởi theo yêu cầu kiểm tra gắt gao về thủ tục an ninh tại nhiều sân bay lớn trên thế giới, nhiều hành khách không có đủ thời gian mua sắm ở các cửa hàng miễn thuế sân bay, nhất là trong khâu xếp hàng để thanh toán. Shop hàng miễn thuế trên máy bay của VNA đã có các sản phẩm miễn thuế cao cấp với các thương hiệu mỹ phẩm L’Oréal, L’Occitane, Gucci, Lancôme…
Đến tháng 8-2017, NASCO có công văn gửi Cục Hải quan Hà Nội đề nghị tạm dừng hoạt động bán hàng miễn thuế trên máy bay trong thời gian 6 tháng và được chấp thuận. Cục Hải quan Hà Nội giao Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài thực hiện kiểm tra, xác nhận lượng hàng tồn tại ở các cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế trên máy bay của NASCO và báo cáo chi tiết, cụ thể về Cục Hải quan Hà Nội. Trong thời gian dừng hoạt động bán hàng miễn thuế, Chi cục Hải quan sân bay Nội Bài phải giám sát lượng hàng miễn thuế tại các cửa hàng và kho trên máy bay. Trường hợp NASCO muốn tái xuất hàng tồn đọng tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế trên máy bay phải làm các thủ tục hải quan theo quy định.
Bình luận (0)