Không được hào nhoáng như các phi trường nổi tiếng trên thế giới song hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế của các sân bay quốc tế Việt Nam cũng đủ đem lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp ăn theo ngành hàng không, nhất là từ khi Chính phủ cho phép áp dụng trở lại cơ chế bán hàng cho cả người nhập cảnh và thí điểm hoàn thuế GTGT cho khách nước ngoài xuất cảnh.
Bất ngờ với doanh thu
Ông Tô Ngọc Hải, Phó Giám đốc Cảng Hàng không (CHK) Đà Nẵng, cho biết doanh thu của CHK Đà Nẵng tăng đột biến sau khi nhà ga quốc tế đi vào hoạt động từ tháng 12-2011. CHK Đà Nẵng đã liên doanh với “ông trùm” hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn để mở 6 cửa hàng thuộc 3 lĩnh vực kinh doanh gồm hàng miễn thuế, đồ ăn nhanh và thời trang.
Trong năm 2012, liên doanh này đặt mục tiêu doanh thu khoảng 500.000 USD nhưng kết quả thực hiện đạt tới 7 triệu USD. Trong đó, nguồn thu lớn nhất là ở các quầy hàng miễn thuế với sản phẩm bán chạy là rượu, thuốc lá, mỹ phẩm.
“Nhờ có các cửa hàng miễn thuế nên doanh thu phi hàng không của sân bay Đà Nẵng chiếm tới hơn 40% tổng doanh thu. Đây là mức cao so với các sân bay trên thế giới vì đứng đầu về doanh thu phi hàng không là sân bay Changi (Singapore) cũng chỉ đạt 55%” - ông Hải nói.
Tính về hiệu quả kinh doanh thì sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện có tỉ suất lợi nhuận/m2 lớn nhất mặc dù lưu lượng khách thông qua chỉ đứng thứ 3 của cả nước (sau sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài).
Theo ông Tô Ngọc Hải, hành khách chi tiêu nhiều nhất ở sân bay Đà Nẵng là người Trung Quốc. Không chỉ có 5 đường bay thường lệ, từ Đà Nẵng còn có hơn 10 đường bay thuê chuyến, chủ yếu là đối tượng khách du lịch nghỉ dưỡng, đánh bài ở casino nên chi tiêu rất mạnh tay cho các sản phẩm thời trang, phụ kiện cao cấp hàng hiệu và rượu, thuốc lá. Còn khách châu Âu chủ yếu chi tiêu cho việc ăn uống.
Do tính hấp dẫn của kinh doanh hàng miễn thuế sân bay nên lúc nào cũng có nhà đầu tư đặt vấn đề thuê mặt bằng, “sổ chờ” tại sân bay Đà Nẵng cũng như Tân Sơn Nhất, Nội Bài ngày càng dài.
Hiện sân bay Đà Nẵng chỉ bố trí thêm được 1 quầy hàng 20 m2 ở khu vực cách ly nhà ga quốc tế nhưng có cả chục nhà đầu tư muốn vào kinh doanh.
Còn tại nhà ga T2 Nội Bài, nhà đầu tư nộp đơn đăng ký từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt dù chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là đi vào hoạt động.
Thu hút các thương hiệu lớn
Được ví như “lục địa thứ 6”, các phi trường quốc tế thực sự là thiên đường mua sắm tấp nập nhờ các cửa hàng miễn thuế mở cửa 24/24 giờ với đủ thứ đồ dùng, từ hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo đến những món hàng hiệu xa xỉ giá vài chục ngàn USD.
Quy mô của các sân bay quốc tế Việt Nam hiện nay vẫn còn nhỏ, cách bài trí gian hàng chưa thực sự hấp dẫn và không phải sân bay nào cũng thu hút được những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Lãnh đạo một công ty CHK cho biết muốn nâng tầm bộ mặt sân bay, nhất thiết phải thu hút được các thương hiệu mạnh trên thế giới như Chanel, Louis Vuitton, Hermes, Prada… nhưng đây là cả vấn đề.
Ví dụ, muốn mời các hãng nước hoa đầu tư một cửa hàng thì chỉ có cách duy nhất là thuyết phục họ bằng doanh số bán hàng, nếu dưới 500.000 USD/năm thì không nên đặt vấn đề. Còn đối với các mặt hàng xa xỉ, doanh số tối thiểu phải 1 triệu USD.
Chủ trương bán hàng miễn thuế cho khách nhập cảnh ở Việt Nam từng có thời gian phải tạm dừng (năm 2009) do không kiểm soát được tình trạng thẩm lậu vào nội địa. Năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép khôi phục lại nhằm tăng doanh thu cho các doanh nghiệp.
Nhờ kinh doanh hàng miễn thuế nhập cảnh, doanh thu của sân bay Tân Sơn Nhất đạt trung bình hơn 10 triệu USD/năm nhưng chỉ ngừng trong 3 năm, doanh thu giảm tới 22 triệu USD, kéo theo giảm lợi nhuận và nộp ngân sách.
Từ tháng 9-2013, Thủ tướng Chính phủ cho phép bán hàng miễn thuế đối với khách nhập cảnh tại sân bay và trên các chuyến bay quốc tế. Đến năm 2012, Thủ tướng tiếp tục cho thực hiện thí điểm hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài xuất cảnh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất và đến năm 2014 tiếp tục mở rộng tại 5 sân bay, cảng biển quốc tế khác với giá trị hóa đơn tối thiểu từ 2 triệu đồng.
Ngày càng thoáng
Từ năm 1990, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) bắt đầu cấp giấy phép kinh doanh hàng miễn thuế để phục vụ khách xuất cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài. Cửa hàng miễn thuế đầu tiên được mở dưới sự liên doanh giữa sân bay quốc tế Nội Bài và Công ty Sundance Duty Free Sales Ltd (Hồng Kông). Từ năm 1993, có thêm Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài (Nasco) cũng liên doanh với một công ty khác của Hồng Kông cùng tham gia 4 nhóm sản phẩm chính là nước hoa mỹ phẩm; rượu, thuốc lá, bánh kẹo; thời trang; đồng hồ, kính.
Sau đó, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng cũng mở các cửa hàng miễn thuế phục vụ khách xuất cảnh với quy định ngày càng được “nới” thêm. Ví dụ, được phép bán hàng cho cả người nhập cảnh kể từ tháng 9-2013; đồng tiền dùng trong giao dịch tại các cửa hàng miễn thuế cũng được mở rộng là các đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi thay vì chỉ được dùng VNĐ, USD và euro như trước đây.
Bình luận (0)