Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa do Bộ Khoa học - Công nghệ soạn thảo và đang lấy ý kiến có nhiều điểm bị doanh nghiệp (DN) phản đối do gây thêm phiền hà, tốn kém. Chẳng hạn, quy định phải ghi tên thương nhân chịu trách nhiệm hàng hóa (thường là nhà nhập khẩu) lên nhãn gốc của sản phẩm; ghi thông tin bằng chữ của nước nhập khẩu…
Bất hợp lý và tốn kém
Ông Nguyễn Thanh Nhị, Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ An Đình (chuyên xuất khẩu gạo), nhìn nhận Nghị định 43/2017-NĐ/CP về nhãn hàng hóa vốn đã không có nhiều DN quan tâm và áp dụng vì đưa ra nhưng không bắt buộc. Các lô hàng của DN chủ yếu xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng, tức khách không yêu cầu ghi nhãn theo quy định của Việt Nam thì DN cũng không được làm. "DN khi xuất khẩu thường sẽ trao đổi cụ thể với nhà nhập khẩu. Họ yêu cầu quy chuẩn ghi nhãn như nào thì DN xuất khẩu đáp ứng như vậy, không cần thiết phải làm phức tạp thêm" - ông Nhị nói.
Về nội dung ghi nhãn bằng ngôn ngữ của nước xuất khẩu, ông Nhị cho rằng không cần thiết phải có quy định này. Trên thế giới, có một số nước yêu cầu đối tác xuất khẩu phải ghi nhãn bằng ngôn ngữ nước nhập khẩu trên sản phẩm nhưng chỉ là cá biệt. Chẳng hạn, trong rất nhiều thị trường nhập gạo của Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ An Đình, đến nay chỉ ghi nhận Ả Rập Saudi có yêu cầu này.
"Hãy để cho DN linh hoạt đáp ứng yêu cầu ghi nhãn của nước đối tác chứ đừng quy định cứng với tất cả, vừa tăng thêm chi phí, vừa khó quản lý. Bản thân tôi hay các cán bộ quản lý hải quan, xuất nhập khẩu… cũng không chắc biết được những ngôn ngữ đó để kiểm soát. Nếu cần, chỉ nên quy định nhãn tiếng Anh bởi đây là ngôn ngữ phổ biến" - ông Nhị góp ý thêm.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bày tỏ quan ngại khi dự thảo đề xuất đưa "hàng xuất khẩu" vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định về nhãn hàng hóa.
Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa mà phải ghi nhãn theo cả quy định pháp luật Việt Nam lẫn nước nhập khẩu là rất bất hợp lý, gây tốn kém mà không có lợi gì cho người tiêu dùng. Thậm chí là bất khả thi khi pháp luật Việt Nam và nước xuất khẩu có điểm khác biệt. Từ trước đến nay, hàng xuất khẩu không phải tuân theo quy định về ghi nhãn hàng hóa trong nước, chưa thấy có báo cáo đánh giá tác động nào khẳng định việc "không quy định" đã ảnh hưởng và gây hệ lụy đến giao thương, đến kinh tế và sự hội nhập.
Theo VASEP, nếu phải thực hiện ghi nhãn theo quy định của Việt Nam sẽ gây tốn kém chi phí cho DN. Như ngành thủy sản mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn thành phẩm hay ngành da giày mỗi năm xuất hơn 1 tỉ đôi giày, dép các loại, nếu phải thay đổi nhãn, mỗi đôi chỉ cần tốn thêm 100 đồng để làm nhãn mới là đã tốn hơn 100 tỉ đồng. Nếu tất cả các ngành sản xuất đều phải thay nhãn, tổng thiệt hại có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng. "Đối với hàng xuất khẩu dạng gia công thường chỉ ghi tên của chủ sở hữu (như Cotsco,Walmart, AquaStar....) theo luật của Mỹ và châu Âu, dự thảo bắt ghi tên nhà sản xuất theo luật Việt Nam chắc chắn nhiều đối tác không chấp nhận" - VASEP lo lắng.
Trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ hiện chỉ cần tuân thủ quy định ghi nhãn của Mỹ. Ảnh: NGỌC ÁNH
Chưa nên áp dụng ngay
PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), cũng đồng tình với việc bỏ cụm từ "hàng hóa xuất khẩu" ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định. "Nếu giữ lại thì nên có một điều riêng về nhãn cho hàng xuất khẩu phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế, không để lẫn với nhãn hàng bán trong nước. Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông ở thị trường nội địa mới phải tuân thủ quy định về nhãn hàng hóa của Việt Nam" - ông Trung đề xuất.
Theo ông Trung, hầu hết các thành viên của VDA đều cho rằng những quy định hiện hành về nhãn hàng hóa cơ bản đã đáp ứng công tác quản lý nhãn hàng hóa tại Việt Nam, nhất là nhãn của sữa và sản phẩm chế biến từ sữa. "Nếu phải sửa đổi bổ sung trong giai đoạn này chúng tôi thấy chưa cần thiết do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý về nhãn hàng hóa thay đổi quá nhiều trong một thời gian ngắn (3 lần trong 4 năm), sẽ gây lãng phí về kinh phí, công sức của DN và gây bất ổn môi trường kinh doanh nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay" - đại diện VDA nhìn nhận.
Theo VASEP và VDA, để chống gian lận thương mại, ngoài quy định tại Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, các văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa… và quy định tại Nghị định 43/2017-NĐ/CP đã có là nhãn phải bảo đảm ghi trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
Ngoài ra, về hiệu lực thi hành, dự thảo nghị định dự kiến áp dụng từ 1-6-2021, các hiệp hội đề nghị nên để lộ trình 3-5 năm khi kinh tế ổn định trở lại mới xem xét áp dụng, nhằm tạo môi trường kinh doanh ổn định và không gây tốn kém cho DN. Bởi lẽ, DN thường sản xuất nhãn sản phẩm với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí sản xuất. Nếu điều khoản chuyển tiếp chỉ áp dụng cho hàng hóa đã được in ấn trước thời điểm hiệu lực của Nghị định thì DN phải hủy một lượng lớn nhãn đã sản xuất rồi, gây tổn thất rất lớn.
Bình luận (0)