Phát biểu tại hội thảo “Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 11-8, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho biết các điều kiện kinh doanh cứ tăng lên theo thời gian.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng giai đoạn trước năm 2006, thủ tục xây dựng đơn giản, chỉ cần có quy hoạch là được khởi công. Thế nhưng, từ năm 2006-2010, khi Nghị định 90 và 71 ra đời, cần phải thêm điều kiện về dự án đầu tư và giải phóng xây dựng. Từ năm 2010 đến nay, thủ tục tiếp tục thêm phần thẩm định thiết kế, giấy chứng nhận thiết kế mỹ thuật và giải phóng xây dựng.
“Việc tăng thủ tục cộng thêm vấn đề lãi suất là 2 thòng lọng siết doanh nghiệp (DN) nhiều nhất, nếu tính vào giá bán thì người tiêu dùng phải gánh chịu” - ông Đực băn khoăn.
Ông Đực kiến nghị nhà nước nên xem xét, áp dụng quy định về quản lý đầu tư dự án phát triển nhà như giai đoạn trước năm 2006. “Vấn đề chất lượng chung cư là do năng lực kỹ thuật và trình độ quản lý của chủ đầu tư chứ không do thủ tục xây dựng nhiều hay ít. Thực tế có thể xảy ra nghịch lý là thủ tục quá nhiều, quá lâu khiến chủ đầu tư bù chi phí bằng cách giảm chất lượng ở phần hoàn thiện. Thủ tục ngày càng nhiêu khê, phức tạp, thời gian kéo dài làm tiêu hao tài sản và công sức của DN, dẫn đến dự án chậm khởi công, chậm đưa sản phẩm ra thị trường và tăng giá bán 10%-20% mà chưa chắc chất lượng tốt hơn” - ông Đực cảnh báo.
Góp ý tại hội thảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Lợi ích nhóm trong các bộ, ngành luôn muốn giành được một chút quyền lợi. Do đó, khi sửa luật, cần nhìn một cách tổng thể về điều này.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nên xem xét hiệu quả của Luật Đầu tư đến đâu, có cần thiết không. Đồng thời, cần quan tâm hệ thống giữa các luật để xem tương thích như thế nào.“Cần sự phân tích có tính chất liên ngành và phải sửa đổi có hệ thống. Đồng ý là cần quản lý nhà nước nhưng quản lý có hiệu quả chứ không phải là bày ra các thủ tục” – TS Doanh góp ý.
“Khai tử” Thông tư 20?
Một ví dụ khác về điều kiện kinh doanh làm cản trở hoạt động của DN là Thông tư 20 của Bộ Công Thương. Đánh giá xung quanh những tranh cãi về việc có nên “khai tử” thông tư này, một lần nữa, phát biểu tại tọa đàm “Nhập khẩu ô tô: Giữ hay bỏ Thông tư 20?” tổ chức cùng ngày, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng câu chuyện này bắt đầu một tư tưởng thể hiện rõ ràng về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014.
“Làm thế nào để cởi trói cho hoạt động kinh doanh? Nhà nước điều chỉnh như thế nào để thị trường không bị méo mó? Trong các hội nghị gần đây, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh cần tạo môi trường tốt nhất cho DN, tạo hành lang đủ rộng cho DN hoạt động. Ở Việt Nam, cần quan tâm tới các loại lợi ích, chứ không tập trung cho một lợi ích nào cả” - ông Mại nêu quan điểm.
Chủ tịch VAFIE cũng đánh giá từ khi có Thông tư 20 đến nay, số lượng ô tô nhập khẩu chưa giảm. Trong khi đó, thông tư này không hề góp phần làm chất lượng xe tăng lên. Do vậy, nhà nước không nên coi việc duy trì ngân sách sẽ bị ảnh hưởng bởi việc bãi bỏ Thông tư 20.
“Khi hội nhập kinh tế quốc tế, người tiêu dùng có quyền lựa chọn. Tôi cho rằng không nên nâng Thông tư 20 thành một nghị định mà để cho thông tư này hết hiệu lực vào ngày 1-7. Người dân có quyền chọn xe rẻ hơn” - ông Mại đề xuất.
Ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà, cho rằng mục tiêu Thông tư 20 ra đời là hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, số lượng xe vẫn tăng với “thành tích” năm 2015, xe nhập tăng gấp 3 lần năm 2011. Do vậy, mục tiêu đề ra đã hoàn toàn không đạt được mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
“Khi có Thông tư 20, các hãng ép về giá, điều kiện, số lượng xe nên DN hoàn toàn ở thế bị động. Nếu thị trường chỉ có Porsche, Toyota thì người ta thích đặt giá nào, người tiêu dùng phải chịu giá ấy là đương nhiên” - ông Quyết phân tích.
Theo ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty Carmax, không thể nói Thông tư 20 sẽ có vai trò bảo đảm cho chất lượng xe nhập khẩu được. “Chiếc xe được nhập hay không đã có Cục Đăng kiểm kiểm định, trạm đăng kiểm có cho lăn bánh hay không thì chiếc xe mới được lăn bánh. Người tiêu dùng thông minh, họ có quyền tự lựa chọn” - ông Dung chỉ rõ.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Nguyễn Minh Đức, cũng cho rằng không thể trả lời được việc giá xe tăng hay giảm nếu bỏ Thông tư 20. Tuy nhiên, nếu một chiếc xe có 3-5 người cùng bán thì người bán giá cao sẽ không ai mua. Do đó, khoảng giá chênh lệch trên thị trường sẽ ngắn lại.
Lo ngại bảo hành chất lượng
Ông Đoàn Hiếu Trung - Giám đốc điều hành Tập đoàn Regal Motor Cars, chuyên nhập khẩu và phân phối xe Rolls-Royce - cho rằng vấn đề giữ hay bỏ Thông tư 20 hiện không còn quan trọng nữa vì nó đã hết hiệu lực. Về lâu dài, không nên giữ các điều khoản trong thông tư này để các doanh nghiệp đều có cùng cơ hội. Tuy nhiên, cái khó nhất là người tiêu dùng có thể sẽ phải chịu thiệt hại nếu các hãng xe không thể đảm bảo chất lượng và khắc phục các lỗi.
Bình luận (0)