Trong khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp (DN) trong nước lại yếu ớt, khó cạnh tranh nổi với DN nước ngoài.
Khó đủ đường
Tự nhận đã hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, ông Đỗ Kim Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quảng cáo An Tiêm, nhìn nhận làm ăn ngày càng khó. Công ty An Tiêm thua lỗ từ năm 2015 đến nay do tiền lương, chi phí điện, nước, thuê mặt bằng và nguyên phụ liệu tăng qua từng năm cùng nhiều chi phí vô hình khác.
“Trong mối quan hệ với chính quyền, cán bộ quản lý chưa xem DN là nơi tạo ra nguồn thu cho xã hội mà là đối tượng cần quản lý, lúc nào cũng nghĩ DN làm sai. Đến đâu, DN cũng phải “chung chi”. Nhiều DN không dám bỏ tiền đầu tư vì rủi ro cao, trong đó có cả rủi ro vô hình, nguy cơ phạm pháp cao” - ông Dũng chán nản.
Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty May túi xách Hami, cho biết nhiều đại lý của công ty ở TP HCM không chịu nổi giá thuê mặt bằng, kinh doanh không hiệu quả nên đã rút khỏi thương trường. “Đại lý như cánh tay phải mà không trụ được thì ảnh hưởng lớn đến DN. Trong khi kênh bán hàng truyền thống bị thu hẹp, hàng hóa vào siêu thị ngày càng khó do bị nước ngoài thâu tóm khiến DN lao đao” - ông Dũng nói.
Ông Phạm Như Bách, Giám đốc Công ty CP Giấy Mai Lan, cho rằng: “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực nhưng hàng nội không thể cạnh tranh với hàng ngoại nếu không mở rộng đầu tư. “Mấy năm qua, do tích lũy không được bao nhiêu nên nhiều DN không thể đầu tư tăng sức cạnh tranh. Nếu được ngân hàng cho vay, DN cũng không có đủ vốn đối ứng bởi giai đoạn 2011-2012, lãi suất vay quá cao đã làm teo tóp lợi nhuận của DN” - ông Bách phân tích.
Báo cáo thường niên 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy có tới 428.000 DN rời khỏi thị trường trong 8 năm qua (từ 2007-2015), tương đương 45,5% tổng số DN được thành lập từ khi có Luật DN năm 2000. Về con số này, cơ quan quản lý nhận định là bình thường theo quy luật đào thải nhưng chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan lại cho là không bình thường, thậm chí nếu nói bình thường là “vô cảm”.
DN ngại… lớn!
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I/2016, cả nước có 20.044 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Trong 5 năm qua, số DN rời khỏi thương trường liên tục tăng từ mức khoảng 40.000 DN trong năm 2010 lên tới 71.391 DN trong năm 2015. Số vốn của các DN đăng ký mới cũng nhỏ dần.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định đây là điều không bình thường. Ở các nước, theo quy luật thị trường, trong 3 năm thì có khoảng 30% DN đăng ký sẽ ngừng hoạt động. Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2000-2010, trong 200.000 DN đăng ký tăng thêm, chỉ khoảng 10% ngừng hoạt động nhưng từ năm 2010 trở đi, con số này tăng vọt qua các năm.
Theo bà Phạm Chi Lan, nếu không cải thiện, DN tư nhân khó cạnh tranh nổi khi hội nhập. DN nhỏ không sống nổi đã đành, DN lớn thấy quá rủi ro nên chọn cách mua bán, sáp nhập nhưng thực chất là bán lại DN cùng thương hiệu cho đối tác nước ngoài.
“Điều lo nhất lúc này là môi trường kinh doanh chưa được cải thiện, DN không tái cấu trúc được nên năng lực cạnh tranh không thể tăng lên. DN ngừng hoạt động sẽ nhiều hơn” - bà Lan nói.
Theo nữ chuyên gia này, môi trường không tốt dẫn đến nhiều hệ lụy, DN sẽ chết hoặc không phát triển được, thậm chí một số chuyển sang làm ăn không đàng hoàng. Như chuyện nông dân trồng nông sản sạch thì không bán được, còn những người làm rau bẩn vẫn bán tốt.
Thực trạng đó dẫn đến DN không thể phát triển, thiếu hụt số DN quy mô lớn làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng không phải không muốn phát triển mà DN không đủ điều kiện để lớn lên.
Ở góc độ khác, theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP HCM, DN càng lớn càng thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý nên một số không muốn lớn.
Kỳ tới: Cần bệ đỡ, môi trường kiến tạo
Lãi vay chiếm hết lợi nhuận
Dù lãi suất giảm khá nhiều so với trước đây nhưng ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa
TP HCM, cho rằng khó khăn nhất của DN trong ngành hiện nay vẫn là vốn và lãi vay. Không chỉ chuyện tiếp cận vốn khó khăn do DN quy mô nhỏ mà lãi suất vay cũng quá cao so với các nước trong khu vực. Theo ông Quốc Anh, DN lớn vay lãi suất chỉ 6%-7%/năm, trong khi DN nhỏ phải chịu trên dưới 10%/năm dù tài chính tốt. “Tỉ suất lợi nhuận của ngành cao su trong những năm thuận lợi cũng chỉ khoảng 10% - vừa đủ trang trải lãi vay, vậy sao tích lũy?” - ông Quốc Anh bức xúc.
Thách thức từ hội nhập
Chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Lê Đăng Doanh phân tích do tác động của lạm phát, lãi suất tín dụng có lúc lên trên 20%/năm, cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gay gắt nên số DN đóng cửa và phá sản rất cao. Hậu quả, số DN đang hoạt động có quy mô ngày càng nhỏ về vốn và lao động. Một số DN có thương hiệu thì đã sáp nhập, chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. “Thách thức đối với DN Việt Nam trong quá trình hội nhập là rất lớn. Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có hiệu lực và chúng ta chứng kiến khu vực bán lẻ trong nước đang bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm; hàng hóa, sản phẩm của Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang tràn vào gây áp lực nặng nề lên các DN Việt Nam” - ông Doanh lo ngại.
Bình luận (0)