* Phóng viên: Như Báo Người Lao Động ngày 5-5 đã phản ánh, suất đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành lên tới 25,8 triệu USD/km. Vì sao mức đầu tư này cao gấp 3 lần so với dự án đường cao tốc đầu tiên là TP HCM - Trung Lương và cao hơn rất nhiều các dự án khác?
- Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC): Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình rất đặc biệt, có đoạn phải vắt qua khu vực sinh quyển rừng Cần Giờ trên nền đất rất yếu.
Dù chỉ dài khoảng 57 km nhưng phải xây dựng 2 cầu dây văng rất lớn vượt sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp. Mỗi cầu được xây dựng tương đương với cầu Cần Thơ (tổng mức đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ tính tại thời điểm năm 2001 là hơn 4.800 tỉ đồng - PV).
Phải qua vùng đất yếu, địa hình, địa chất phức tạp nên tuyến cao tốc này có hơn 20 km cầu cạn, lại là cầu đôi và một phần dự án đi qua đường vành đai 3 (TP HCM) nên cần đến 8 nút giao. Chi phí mỗi nút giao khoảng từ 500 tỉ đồng đến cả ngàn tỉ đồng.
Nếu chỉ nhìn vào khoảng cách 57 km mà không phân tích hết các yếu tố cụ thể sẽ không thấy được. Dự án này rất đặc thù, chúng tôi đều phải đấu thầu theo tiêu chuẩn quốc tế để lựa chọn nhà thầu.
Một đoạn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây qua tỉnh Đồng Nai Ảnh: Anh Quân
Dẫn chứng đơn giản, chỉ riêng xây cầu Sài Gòn 2 dài gần 1 km đã ngót nghét 1.500 tỉ đồng, trong khi dự án cao tốc này có 2 cầu dây văng tương đương cầu Cần Thơ cũng đã tốn 8.000 - 10.000 tỉ đồng. Theo nguyên tắc, đường cao tốc khoảng cách phải 15 km mới có nút giao và chỉ được giao với các tuyến quốc lộ. Nhưng do tuyến cao tốc này đi qua đường vành đai 3 của TP HCM nên phải làm các nút giao.
Một km đường nghe nói cần đến 25,8 triệu USD thì rất cao nhưng thực tế không đơn giản chỉ là xây đường bộ. Như đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua khu vực Đồng Nai dài 30 km, chúng tôi đã làm xong, chỉ có 5 triệu USD/km. Mọi người cứ nói giá cao ở một góc độ thông tin không đầy đủ. Đây không phải bao biện bởi ở các dự án, thanh tra, kiểm toán nhà nước làm việc thường xuyên.
* VEC nói tổng mức đầu tư đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cao một phần do chi phí giải phóng mặt bằng nhưng thực tế dự án chỉ đi qua vùng ven TP HCM?
- Chỉ riêng khu vực TP HCM, chi phí giải phóng mặt bằng cho các khu vực Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… đã hơn 3.100 tỉ đồng, chiếm phần lớn trong tổng chi phí giải phóng mặt bằng của dự án (trên 4.600 tỉ đồng). Khu vực dự án đi qua như ở Bình Chánh phải ảnh hưởng đến trên 1.180 hộ dân. Hơn nữa, vốn đầu tư cho dự án không chỉ lấy từ ngân sách, vốn ODA mà còn cả vốn vay bên ngoài với lãi suất không ưu đãi.
Chúng tôi có rà soát lại toàn bộ các khâu để tính toán lại suất đầu tư cho hợp lý. Ở giai đoạn 1, sẽ xây dựng 4 làn xe tương đương tuyến TP HCM - Trung Lương hay TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng nhưng riêng khâu giải phóng mặt bằng đã làm luôn cho toàn dự án nên thời gian tới không tốn thêm kinh phí ở khâu này.
* Nhiều chuyên gia kinh tế lập luận suất vốn đầu tư đường cao tốc thường rất cao bởi phải tốn nhiều phí “bôi trơn”, ông có bình luận gì?
- Đặt vấn đề như vậy dễ gây hiểu nhầm cho dư luận. Các dự án đều làm trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức, giá nhà nước quản lý và đấu thầu quốc tế cạnh tranh chứ không phải chỉ định thầu. Như đoạn dài 19 km chúng tôi vừa tổ chức đấu thầu, giá trúng thầu đã giảm 25%-30% so dự toán khi nhà thầu họ tính chi phí kinh tế của dự án ở mức hợp lý. Các khâu đấu thầu rất chặt chẽ và khó khăn chứ không hề đơn giản.
* Người dân phản ứng một phần vì đường cao tốc chi phí cao nhưng đi vào khai thác lại rất nhanh lún, nứt rồi cả “ổ gà, “hố tử thần”?
- Nói như vậy thì rất vô chừng nhưng tôi chỉ dẫn chứng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có cả nhà tư vấn của Nhật và Mỹ tham gia, họ đều nói chất lượng tốt hơn của họ. Muốn nói thì phải dẫn chứng cụ thể một dự án nào đó, bởi mỗi dự án đều có tiêu chuẩn, đơn vị tư vấn quốc tế kiểm tra giám sát.
* Dư luận lo ngại suất đầu tư đường cao tốc quá cao sau này sẽ “đổ” lên phí cầu đường và người dân sẽ gánh, rồi giá cả hàng hóa tăng cao?
- Đầu tư xây đường cao tốc của Việt Nam không cao so với các nước. Cần so sánh một cây cầu dây văng của mình với các nước đang làm hoặc thi công trên cùng một tuyến đường, chứ không thể nói chung chung. Như ở Mỹ, họ làm một con đường không có cầu, không có cống; còn Việt Nam cứ 500 m đường lại có một cống chui dân sinh (mỗi cống chui vài tỉ đồng) bởi nó liên quan đến văn hóa sinh hoạt của người dân. Ở các nước, khi làm đường cao tốc làm gì có nút giao dân sinh, cầu cạn...?
Bình luận (0)