Tại hội nghị Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý, do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 21-8 ở TP HCM, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp (DN) cần lưu ý những thách thức nhiều hơn để có sự chuẩn bị kỹ.
Cơ hội cho gạo Việt sang EU
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có những nội dung quan trọng về mở cửa thị trường, tạo điều kiện ưu đãi trong lĩnh vực nông thủy sản. Với EVFTA, sau khi ký kết chính thức, hai bên đang trong quá trình vận động phê chuẩn; nếu được thông qua vào cuối năm nay thì từ đầu năm 2020 sẽ có hiệu lực ngay đến ngành nông nghiệp.
Thịt heo Mỹ giới thiệu đến người tiêu dùng TP HCM Ảnh: NGỌC ÁNH
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, cho hay cơ hội với các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu vào EU là rất lớn khi phần lớn dòng thuế giảm dần về 0%. Chẳng hạn, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm; mức thuế trong hạn ngạch là 0%. Riêng gạo tấm xóa bỏ thuế trong 5 năm, sản phẩm từ gạo bỏ thuế trong 3-5 năm. Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước trái cây, hoa tươi; cà phê, tiêu, điều, mật ong tự nhiên... cơ bản xóa thuế ngay. Với hàng thủy sản, khoảng 50% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực; các dòng thuế còn lại về 0% sau lộ trình 3-7 năm. Thị trường EU cũng dành hạn ngạch 11.500 tấn/năm với mặt hàng cá ngừ đóng hộp hay 500 tấn/năm cho cá viên (surimi), thuế suất 0%.
Theo các DN, hiện gạo Việt xuất khẩu sang EU rất ít do vướng hạn ngạch. Số liệu thống kê gần nhất vào năm 2017 cho thấy kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU chỉ khoảng 12,4 triệu USD, tính theo giá xuất khẩu khoảng 20.000 tấn. Nay với EVFTA, mỗi năm có thêm khoảng 80.000 tấn gạo và sản phẩm từ gạo được rộng cửa vào EU là tín hiệu tích cực.
Vừa qua, EU có áp dụng biện pháp bảo hộ với ngành gạo ở khu vực Đông Nam Á nhưng EVFTA lại có thuế suất về 0% và được cấp hạn ngạch không nhỏ là cơ hội cho gạo xuất khẩu vào EU tăng trưởng mạnh. Với lợi thế này, gạo Việt sẽ tăng sức cạnh tranh với gạo Thái Lan về tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay hiện tại thuế xuất khẩu gạo vào EU từ 5%-45%, thậm chí có thị trường bị áp thuế 100%. Do đó, thuế xuất khẩu gạo vào EU về 0% sẽ thêm cơ hội cho DN.
Riêng với mặt hàng gạo tấm, EU bỏ hoàn toàn nhập khẩu hạn ngạch, theo Bộ Công Thương sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu vì gạo tấm có thể dùng để chế biến thực phẩm, sản phẩm... "EVFTA sẽ giúp DN khai phá thị trường nông nghiệp, từ chuyện của mặt hàng gạo. Trước thời điểm ký hiệp định, ngành gạo một số nước thành viên trong EU phản đối và thậm chí đến sát thời điểm ký kết, đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Công Thương phải sang tận EU giải thích vì họ e ngại gạo Việt Nam vào sẽ ảnh hưởng ngành sản xuất nội địa" - ông Lương Hoàng Thái kể.
Thịt heo, bò, gà từ EU sẽ tràn vào
EVFTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức cho nền kinh tế và khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết hiện thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt bò, trâu từ EU vào Việt Nam ở mức 5%-30% sẽ giảm về 0% trong 3-4 năm tới. Các mặt hàng thịt heo nhập từ thị trường chính như Tây Ban Nha, Đan Mạch... đang chịu thuế 15%-27% cũng giảm về 0% theo lộ trình 10 năm; thịt gia cầm chịu thuế 0%-40% sẽ về 0% sau 13-14 năm. "Hàng nhập khẩu về nhiều hơn với giá cạnh tranh sẽ góp phần đa dạng sản phẩm tiêu dùng và chế biến nhưng áp lực cạnh trạnh với hàng sản xuất trong nước sẽ rất lớn" - bà Hồng Hạnh nói.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận chăn nuôi là ngành dễ tổn thương nhất nên sẽ tập trung nhiều biện pháp ở khu vực nhà nước, người dân và DN để tháo gỡ. "Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi, hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc đang có dư địa tốt, do nhu cầu sữa ngày càng tăng. Trong vòng 10 năm qua, ngành đã tăng lượng sữa cung ứng lên 1 triệu tấn, con giống của đàn bò sữa cũng rất tốt. DN cần áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo nhanh đàn giống theo cả hướng thịt và sữa để cung cấp cho thị trường" - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận xét.
Doanh nghiệp cần chủ động khai thác cơ hội
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nêu thực tế đến nay các DN vẫn có cảm giác lúng túng, chưa nhận thức rõ ràng cơ hội và thách thức. Nếu không nắm bắt được thì cơ hội sẽ qua đi trong khi thách thức hiện diện ngay tại thị trường trong nước khi DN phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, bên cạnh nỗ lực của nhà nước mở cửa thị trường để tạo cơ hội cho DN, các DN cũng cần vào cuộc. Cắt giảm thuế quan là điều kiện cần nhưng quan trọng là DN có khai thác được không? Thị trường Philippines muốn nhập khẩu thịt heo từ Việt Nam nhưng không có DN nào đăng ký muốn xuất khẩu thì bộ, ngành cũng không thể làm thay DN. Hay với ngành gạo, các thị trường nhập khẩu đều đòi hỏi sản phẩm phải gắn với yêu cầu truy xuất nguồn gốc và cấp phép nhập khẩu nên DN phải có sự thay đổi để đáp ứng.
Bình luận (0)