Ngày 27-6, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra, phúc tra toàn bộ hóa đơn điện tháng 5 có chỉ số điện tăng từ 30% trở lên so với tháng trước.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh, kết quả kiểm tra nếu phát hiện sai sót phải thoái hoàn hoặc truy thu tiền điện trả cho khách hàng.
Trước đó, trong thông cáo phát đi sau một số vụ ghi nhầm chỉ số điện tại các Quảng Ninh, Quảng Bình, Hải Dương, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hóa đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định.
Theo thống kê của EVN, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4-2020. Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 ngàn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Việc ghi chỉ số công tơ hiện nay khiến nhiều khách hàng nghi ngờ
Dự kiến kỳ hóa đơn tháng 6-2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5-2020.
Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20-6 cho thấy, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5-2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5-2020).
Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 ngàn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.
Đoàn kiểm tra về việc ghi chỉ số công tơ và lập hóa đơn tiền điện của EVN đã tiến hành kiểm tra tại các quận, huyện ở Hà Nội. Tại đây, nhiều khách hàng nghi ngờ về chỉ số công tơ điện cũng như việc công tơ điện chạy không chính xác so với lượng điện sử dụng thực tế của khách hàng.
Trong khi đó, tỉ lệ công tơ điện tử (đo số điện từ xa) tại Hà Nội vẫn chưa được thay thế hoàn toàn, điều này khiến người dân càng hoài nghi về việc ghi chỉ số điện. Về vấn đề này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, việc thay từ công tơ cơ khí sang công tơ điện tử được thực hiện theo lộ trình, do kinh phí quá lớn và để tránh gây áp lực lên giá điện.
Bình luận (0)