Chiều 21-6, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để truyền đạt nhiều nội dung mà Thủ tướng lưu ý.
Không để xảy ra thiếu điện
Ông Nguyễn Cao Lục nêu rõ theo yêu cầu của Thủ tướng, ngành điện phải đạt tăng trưởng 11,5% trong năm 2017, bảo đảm điện cho nền kinh tế, cung ứng điện cho miền Nam, không để xảy ra thiếu điện... Do đó, EVN cần báo cáo các giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017.
Ông Nguyễn Cao Lục cho biết Thủ tướng đã yêu cầu EVN phải bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng cũng lưu ý về công tác vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện trong thời gian qua đã có một số vụ gây bức xúc, như 4 học sinh đuối nước tại khu vực hạ lưu thủy điện Sông Ba Hạ (tỉnh Phú Yên), sự cố công trình thủy điện Sông Bung 2 làm 2 công nhân tử vong; cùng đó là tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắk, Hà Tĩnh.
"Một số ý kiến đặt vấn đề về việc các thủy điện liên quan xả lũ. Thủ tướng đã chỉ đạo không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Vậy cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được" - đại diện tổ công tác nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu EVN báo cáo các giải pháp để không xảy ra sự cố ảnh hưởng tới người dân.
Liên quan đến việc đầu tư một số dự án thuộc Quy hoạch điện VII chậm so với dự kiến do các nguyên nhân như thu xếp nguồn vốn khó khăn, vướng mắc thủ tục đầu tư…, Thủ tướng yêu cầu EVN có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu EVN báo cáo về kết quả tái cơ cấu. "Dựa trên số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN giữ vị trí quán quân về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Năm 2015, EVN vay thêm 2 tỉ USD, nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ lên 9,7 tỉ USD. EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ vay để giảm rủi ro tỉ giá; báo cáo giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư" - ông Lục nêu rõ.
Về giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng công tác thông tin thời gian qua tốt hơn nhưng vẫn có băn khoăn của người dân, các cấp, các ngành, Quốc hội tại sao giá điện như vậy. "Giá điện có thể cao, tăng có thể nhiều nhưng quan trọng là tại sao. Vấn đề là phải minh bạch, làm tốt công tác thông tin" - ông Hải nhìn nhận.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết theo cơ chế giá hiện nay, điện đang lỗ và còn rất rẻ so với khu vực. Chưa kể, điện vẫn còn được trợ giá ở nhiều nơi. "Chúng ta phải đồng thời yêu cầu tiết kiệm và công khai minh bạch giá điện. Dù lãi gộp và lãi thuần tăng khá nhưng hậu quả tài chính của 8-10 năm trước đến giờ vẫn chưa xong. Phải có cơ chế chính sách phù hợp để ngay trong năm nay xử lý được hậu quả tài chính 10 năm trước" - ông Tuấn lưu ý. Bên cạnh đó, cần giải quyết dứt điểm vấn đề bù chéo khi giá điện sạch hiện là 9,35 cent và đang phải bù lỗ 2 cent.
Môi trường đã được quan tâm
Giải trình trước tổ công tác, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho hay với chỉ tiêu tăng trưởng điện 11,5% cả năm thì có thể bảo đảm cân đối được. Dù 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng không như kế hoạch song 6 tháng cuối năm, mức tăng trưởng có thể đạt 13,4%, thậm chí 14%.
"Để bảo đảm an toàn cung ứng điện những tháng còn lại, đặc biệt là mùa mưa lũ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an toàn cả nguồn và lưới điện. Đặc biệt, nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ các nhà máy thủy điện vận hành không bảo đảm quy trình an toàn, gây thiệt hại tài sản nhân dân thì phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng" - ông Thành khẳng định.
Liên quan đến một số dự án chậm tiến độ đã báo cáo trước đây, chủ tịch EVN cho hay các nhà máy đó hiện đều vận hành, đáp ứng đủ điện cho miền Nam trong nửa đầu năm, như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên hải 1. Đặc biệt, vấn đề môi trường đã được quan tâm, bảo đảm khi vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đi kiểm tra Trung tâm Điện lực Duyên hải 1 và cấp giấy phép về môi trường cho trung tâm này - tức là dự án đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà bộ đề ra.
"Đã có trung tâm quan hệ cộng đồng cho người dân vào xem việc bảo đảm thông số phát thải, lắp đặt các hệ thống đường truyền để các tỉnh giám sát, có vấn đề gì sẽ có ý kiến với chủ đầu tư và EVN" - lãnh đạo EVN thông tin. Ông Thành cũng cho biết trong năm 2018 đến đầu năm 2019, các nhà máy đang xây dựng trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh sẽ vận hành đúng tiến độ.
Không còn đầu tư ngoài ngành
Về việc tái cơ cấu tập đoàn, lãnh đạo EVN cho biết đã có nội dung chương trình thực hiện, trong đó đặc biệt là cổ phần hóa 3 tổng công ty phát điện (GENCO). "Kiểm toán Nhà nước đang xem xét giá trị doanh nghiệp của GENCO 3. Phấn đấu năm 2017 tái cổ phần hóa xong GENCO 3, còn GENCO 1 và GENCO 2 làm trong năm 2018. Với đầu tư ngoài ngành, EVN đã thoái vốn từ cuối năm 2015 theo quyết định của Chính phủ và hiện không đầu tư ngoài ngành. Chỉ còn 15% cổ phần trong Công ty Tài chính điện lực là được giữ nhưng EVN đã báo cáo Bộ Công Thương cho thoái toàn bộ" - ông Thành thông báo.
Bình luận (0)