Sáng 21-4, đại hội cổ đông thường niên Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã thông qua chương trình nghị sự trong đó có việc miễn nhiệm một thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) và bầu bổ sung thay thế một thành viên HĐQT.
Theo đó, các cổ đông Eximbank đã bầu chọn bổ sung ông Yutaka Moriwaki, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc dự án tái cấu trúc Eximbank (dự án New Eximbank) làm thành viên HĐQT.
Cổ đông đề cử ông Yutaka Moriwaki là nhóm cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản), với số lượng cổ phần đề cử là 123 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 10,05% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy, sau khi ông Naoki Nishizawa nộp đơn từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) với lý do cá nhân và đại hôi cổ đông Eximbank đã đồng ý. Hiện tại, HĐQT Eximbank còn lại 9 thành viên, gồm các ông Lê Minh Quốc, Lê Văn Quyết, Hoàng Tuấn Khải, Đặng Anh Mai, Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Ngô Thanh Tùng, Yasuhiro Saitoh và người mới nhất là ông Yutaka Moriwaki.
Ông Yutaka Moriwaki sinh năm 1963 tại Nhật Bản tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Khoa học chính trị và Kinh tế tại Đại học Waseda. Ông có nhiều năm làm việc tại ngân hàng Sumitomo Bank Limited ở các chi nhánh Hồng Kong, Quảng Châu, Nhật Bản, Singapore,…
Tại đại hội, ông Đặng Anh Mai, thành viên HĐQT Eximbank, cho biết để ngân hàng hoạt động ổn định, HĐQT đã nhất trí rút lại các tờ trình cổ đông về việc thu hồi gần 52 tỉ đồng thù lao các thành viên HĐQT cũ, Ban kiểm soát trong các năm; tờ trình xây dựng trụ sở mới; tờ trình chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương Tín (Sacombank); và tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) đối với ông Cao Xuân Ninh.
Ông Yutaka Moriwaki (bìa trái), thành viên HĐQT mới của Eximbank vừa được bầu. Ảnh: Thy Thơ
Liên quan đến việc chia thù lao cho HĐQT cũ trong 3 năm từ 2013-2015, một số cổ đông đề nghị HĐQT mới phải thu hồi số tiền này. Dù trong tờ trình đại hội ngày 21-4 không đề cập nội dung này nhưng theo ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, chỉ đạo của NH Nhà nước là phải thu hồi lại toàn bộ hơn 80 tỉ đồng thù lao đã chi sai cho HĐQT cũ chứ không chỉ là 52 tỉ đồng như tờ trình ban đầu. Do đó, dù việc chia thù lao vượt so với quy định do nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng theo yêu cầu của NH Nhà nước, HĐQT mới sẽ tiến hành từng bước và đề nghị các thành viên trước đây trả lại các khoản tiền đã vượt chi.
Trao đổi với PV báo Người Lao Động, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết thêm về chủ trương thoái vốn toàn bộ tại Sacombank đã được NH Nhà nước chấp thuận để Eximbank tập trung vào hoạt động tín dụng, cho vay doanh nghiệp nhưng còn phụ thuộc vào tình hình thị trường. Bởi Sacombank hiện là NH đã niêm yết trên sàn và đang trong quá trình tái cơ cấu.
Ban lãnh đạo Eximbank đang lựa chọn tìm đối tác lớn để có mức giá tốt nhất. Eximbank dự kiến nếu giá cổ phiếu của Sacombank tăng cao sẽ đem lại thêm khoản thu đáng kể cho NH này trong năm nay, vì kế hoạch lợi nhuận năm 2017 của Eximbank trình đại hội cổ đông chưa bao gồm nội dung thoái vốn ở Sacombank. “Chủ trương của Eximbank là bán số cổ phần đang nắm giữ tại Sacombank càng nhanh càng tốt nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá thị trường, tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp và quá trình tái cơ cấu của Sacombank” – ông Quyết nói.
Hiện số lượng cổ phần mà Eximbank đang sở hữu tại Sacombank là hơn 165 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 8,76% vốn điều lệ của Sacombank. Việc chuyển nhượng số cổ phần này, theo Eximbank nhằm đáp ứng yêu cầu của NH Nhà nước. Bởi theo thông tư 36 về quy định các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài có nêu rõ: “NH thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó”.
Trước đó, Cơ quan thanh tra giám sát NH, NH Nhà nước cũng đã có công văn về việc Eximbank đề nghị chuyển nhượng cổ phần tại Sacombank và nghị quyết của Hội đồng quản trị Eximbank tháng 2-2017 cũng thông qua chủ trương này.
Bình luận (0)