Phóng viên: Xin ông cho biết tiến độ đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU đến thời điểm này?
- Ông Bernd Lange: Sau các vòng đàm phán, rất nhiều vấn đề quan trọng đã được thống nhất và thông qua. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn đọng nhiều nội dung, trong đó có những nội dung nhạy cảm.
Để chính thức thông qua lần cuối cùng, tất cả các vấn đề phải được thống nhất. Vì vậy, chúng tôi hy vọng trong vòng đàm phán cuối cùng vào tháng 6 sắp tới, mọi vấn đề sẽ được thống nhất giữa Việt Nam và EU để sớm thông qua FTA. Do đó, cần có sự nhất trí cao trong việc đạt được môi trường FTA, đặc biệt là các vấn đề về giao thông, an toàn, an ninh.
Đâu là những vấn đề còn tồn đọng trong đàm phán, thưa ông?
- Hiện còn một số vấn đề tồn đọng hy vọng chúng ta sẽ sớm giải quyết, trong đó có vấn đề phát triển nguồn lực, chuẩn lao động cốt lõi, chuẩn môi trường. Đây là bước rất quan trọng để giúp có xã hội phát triển. Chúng tôi tin rằng thương mại và cạnh tranh cần phải dựa trên môi trường tự do, môi trường có con người phát triển, chất lượng cao chứ không phải dựa trên sự phá giá.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm những vấn đề liên quan đến việc tiếp cận thị trường để bảo đảm lưu thông tự do hàng hóa, phát triển lĩnh vực kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như chính sách mua sắm của nhà nước cũng như có chính sách đối xử công bằng giữa doanh nghiệp (DN) nhà nước và các DN đầu tư nước ngoài. Đó là điều kiện cần và đủ để có một môi trường đầu tư ổn định.
Theo ông, đâu là những lĩnh vực có lợi cho DN Việt Nam sau khi ký kết FTA với EU?
- Khi FTA được thông qua, với Việt Nam, lĩnh vực có lợi khi xuất khẩu vào EU là may mặc, giày da và đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Về phía EU, khi xuất khẩu sang Việt Nam, máy móc, ô tô… là những mặt hàng có lợi. Tuy nhiên, với cả 2 phía thì lĩnh vực đầu tư là quan trọng nhất và sẽ là động lực thúc đẩy cho cả 2 phía Việt Nam và EU.
Biến đổi khí hậu cũng là vấn đề cả 2 bên đều rất quan tâm nên khi FTA được thông qua thì vấn đề này sẽ được giải quyết.
Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để sớm thông qua FTA với EU?
- Hai yếu tố quan trọng để sớm thông qua FTA là Việt Nam cần bảo đảm sự minh bạch và có được cam kết rõ ràng để thực hiện lộ trình tuân theo các quy định do FTA đề ra. Việt Nam cần tuân thủ 5 tiêu chí để được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ: phải hết sức minh bạch; phải tuân thủ nhà nước pháp quyền, tôn trọng quy định pháp luật đã đề ra; tiền tệ ổn định; đối xử công bằng với tất cả DN, bao gồm DN nhà nước, DN tư nhân, DN đầu tư nước ngoài; không có tình trạng phải chi tiền một cách không chính thức. Các khoản chi mập mờ, chi không rõ ràng sẽ khiến nhà đầu tư rất e dè khi đầu tư vào Việt Nam.
Tôi cũng lưu ý thêm: Việt Nam cần phải có các biện pháp mạnh hơn nữa để có thể có được một chính sách đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư để khi các nhà đầu tư EU vào Việt Nam, họ cảm thấy hoàn toàn tự tin là họ được đối xử bình đẳng.
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 32 của EU. Các vòng đàm phán FTA giữa 2 bên được khởi động vào tháng 6-2012 và được kỳ vọng sẽ kết thúc trong năm 2015.
Bình đẳng cho các nhà đầu tư
Trong một nghị quyết của các thành viên Nghị viện châu Âu được thông qua năm 2014, cơ quan này bày tỏ rằng người lao động Việt Nam cần được tôn trọng hơn và quyền của các hiệp hội thương mại tại đây cũng cần được cải thiện bằng việc thông qua Công ước của Tổ chức Lao động thế giới. Nghị viện cũng dành sự quan tâm tới vấn đề nâng cao phúc lợi động vật và việc bảo đảm đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bằng việc xóa bỏ quy định “vốn sở hữu trần” cho các đối tượng này.
Ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế đồng thời là báo cáo viên phụ trách Việt Nam trực tiếp tham gia đàm phán FTA, cho biết chuyến thăm lần này sẽ đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về sự chuẩn bị của Việt Nam đối với vấn đề này cũng như những cải cách, thông tin của Việt Nam để giúp 2 bên đưa ra được một quyết định chính xác về FTA trước khi chính thức phê chuẩn hiệp định.
Bình luận (0)