Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 46,5% thị phần (số liệu đến hết tháng 5-2017), tăng đột biến so với mức 35%-36% những năm gần đây. Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2017 đạt 1,1 triệu tấn, thu về 488 triệu USD, tăng 34,2% về khối lượng và tăng 31,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn của gạo Việt vào thị trường này.
Công nhân theo dõi máy tách màu trong dây chuyền sản xuất gạo Ảnh: NINH NGUYỄN
Giám đốc một công ty cung ứng gạo lớn tại miền Tây cho biết nhu cầu từ thị trường Trung Quốc rất lớn. Thương lái Trung Quốc thường mua gạo tại kho của doanh nghiệp (DN), sau đó đưa đi chính ngạch qua ủy thác hoặc tiểu ngạch, tùy thời điểm. Ngoài nhập gạo của Việt Nam để bán nội địa, thương nhân Trung Quốc còn xuất khẩu đi nước thứ 3 vì có sẵn bạn hàng.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - DN được Trung Quốc kiểm tra và chấp thuận nhập khẩu, xác nhận thời gian qua, xuất khẩu gạo sang thị trường này khá tốt, tăng cả về lượng và giá. Ông cho biết xuất khẩu sang Trung Quốc là dòng gạo ngon, chất lượng cao. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đang đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn cho nhà xuất khẩu gạo theo cách của các nước khó tính như Mỹ, Nhật Bản - không chỉ gạo an toàn mà còn truy xuất được nguồn gốc. Đến nay, trong tổng số khoảng 150 DN xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có 22 DN được phía Trung Quốc cấp phép. Do vậy, để được xuất khẩu sang Trung Quốc, ngành gạo Việt Nam phải nâng chuẩn, từ đó cả thị trường sẽ được hưởng lợi.
Một vấn đề khác là dù xuất khẩu đến gần 50% gạo sang Trung Quốc nhưng như nhiều loại nông sản khác, gạo Việt chưa có thương hiệu tại Trung Quốc do thương nhân nước này đóng bao bì lại. Vừa qua, trong nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tại Trung Quốc, chỉ mới có một DN lớn là Tập đoàn Lộc Trời ký hợp tác với Công ty Viên Thị (Trung Quốc) để phân phối gạo chính thức ở nước này.
Bình luận (0)