xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gạo, gà từ Campuchia có đáng lo?

NGỌC ÁNH - THÁI PHƯƠNG

Nhiều loại nông sản Campuchia như gạo, gia cầm… sẽ được Việt Nam áp thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, gây áp lực cạnh tranh lên thị trường trong nước

Theo thỏa thuận, Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng được Campuchia áp thuế nhập khẩu 0%.

Trong nước đang thừa gạo

Nghị định 24/2017 của Chính phủ quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia năm 2016, từ ngày 14-3 đến hết 31-12, 11 nhóm mặt hàng có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan thẩm quyền của Campuchia cấp và thông quan qua các cặp cửa khẩu trong danh mục sẽ được hưởng thuế ưu đãi 0%. Trong đó có 2 nhóm mặt hàng lúa gạo và sản phẩm gia cầm khiến nhiều người lo ngại do tình hình tiêu thụ trong nước đang khó khăn.

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), chuyên bán gạo cao cấp cho thị trường trong và ngoài nước - nhận định trong khi gạo trong nước đang thừa thì việc có thêm nguồn cung từ Campuchia chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường. “Hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Campuchia được cấp phép lên đến 300.000 tấn trong năm 2017 với thuế suất ưu đãi 0%.

Ngoài lợi thế về thuế, điều đáng lo nhất là gạo Campuchia đang được người tiêu dùng Việt tin tưởng là gạo sạch nên ưa chuộng. Tuy nhiên, với các loại gạo Campuchia bán lẻ khoảng hơn 20.000 đồng/kg, người tiêu dùng nên cân nhắc vì gạo sạch không thể rẻ như vậy. Campuchia cũng có nhiều nhà máy sản xuất phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để sử dụng trên đồng ruộng. Loại lúa trồng theo kiểu nhờ trời, mỗi năm chỉ 1 vụ, năng suất 2 tấn lúa/ha, tương đương 1 tấn gạo thì không thể nhiều và rẻ được.

Trong khi đó, gạo hữu cơ có chứng nhận quốc tế của Trung An mỗi năm trồng 2 vụ, năng suất khoảng 3 tấn/ha, bán lẻ đến người tiêu dùng hơn 40.000 đồng/kg vẫn chưa có lãi. Hiện gạo của Trung An trong giai đoạn hỗ trợ giá để người dùng làm quen với sản phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng không nên tin gạo từ Campuchia là sạch 100% mà nên quan tâm đến quy trình sản xuất, tổ chức nào chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc được không để chọn đúng sản phẩm” - ông Bình đề nghị.

Gạo Campuchia được bán ở Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Gạo Campuchia được bán ở Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2016 nhập khẩu lúa từ Campuchia qua biên giới không có số liệu thống kê nhưng theo các nguồn không chính thức, ước tính Việt Nam nhập khoảng 400.000 tấn quy gạo từ nước này. Trong đó, một phần lúa nhập vào Việt Nam được xay xát, chế biến và xuất trở lại Campuchia. Tuy nhiên, số lượng xuất trở lại vẫn chưa rõ.

Với nhóm mặt hàng gia cầm và sản phẩm gia cầm từ Campuchia, ông Nguyễn Minh Khanh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Bel Gà, nhìn nhận không nên lo lắng vì doanh nghiệp (DN) của ông đang xuất khẩu mạnh gà giống sang Campuchia qua đường chính ngạch nhờ có nhiều lợi thế. “Giá gà tại Campuchia cao hơn Việt Nam khoảng 3.000 đồng/kg” - ông Khanh giải thích.

Ông Nguyễn Như Sinh - đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, chuyên cung ứng thịt gà công nghiệp - cũng xác nhận chưa từng thấy thịt gà Campuchia trên thị trường TP HCM do khả năng cạnh tranh thấp. Tuy nhiên, ông lo lắng việc kiểm soát không chặt, có thể nguồn gà đông lạnh từ các nước “mượn” xuất xứ Campuchia để hưởng thuế suất ưu đãi.

Cơ hội cho hàng Việt

Theo Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia, nhiều mặt hàng của Việt Nam cũng được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% vào thị trường này, gồm sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo, bánh kẹo, sơn, sản phẩm nhựa, giấy, gốm sứ, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép.

Đây là cơ hội lớn giúp DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia. Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Công ty TNHH Thép Khương Mai, nhìn nhận ở thị trường Campuchia, DN Việt có nhiều lợi thế về giá do chi phí vận chuyển thấp hơn các nước khác trong khi nhu cầu sắt thép ở đây rất lớn. Hiện giá điện của Campuchia cao hơn nhiều so với Việt Nam nên giá thành sắt thép sản xuất ở đây khá cao nên hầu hết phải nhập khẩu.

“Thủ tục hoàn thuế GTGT của Việt Nam đối với mặt hàng sắt thép còn nhiêu khê nên nhiều DN chưa mặn mà đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Campuchia. Nếu cải thiện được khâu này, chắc chắn xuất khẩu sắt thép vào thị trường này sẽ tăng mạnh” - ông Khương nói.

Sản phẩm từ thịt cũng được giảm thuế nhập khẩu về 0% khi DN Việt xuất khẩu sang Campuchia. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, với việc giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp DN Việt giảm khó khăn khi bán hàng sang Campuchia. Dù đã có văn phòng đại diện và tổ chức phân phối ở thị trường này nhưng Vissan đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo