Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang có xu hướng bỏ gạo Thái để chọn gạo Việt. Phóng viên đã phỏng vấn ông Chukiat Opaswong, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Những nhà xuất khẩu gạo Thái Lan về vấn đề này.
Ông Chukiat Opaswong Ảnh: Matichon
Thành tích đó là do nhu cầu của thị trường thế giới tăng trong bối cảnh nguồn cung giảm. Nó không thuần túy do nỗ lực hay gạo Thái vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, nhất là Việt Nam.
Nói đến chất lượng gạo Thái, tôi có một sự quan ngại. Nói cách khác, chất lượng gạo Việt đang vượt mặt gạo Thái, thơm mềm và dẻo, khiến khách hàng lâu nay mua gạo Thái đã chuyển sang lựa chọn gạo Việt. Đó là thực tế mà chúng tôi quan sát thấy được và cả từ phản ánh của khách hàng. Dù không muốn tin và không muốn điều đó xảy ra, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng thực tế đó rất đáng lo ngại cho sản phẩm gạo của Thái Lan.
Gạo Việt Nam có chiều hướng đi lên về chất lượng trong khi gạo Thái Lan lại có chiều hướng ngược lại. Nếu xu hướng trái chiều này tiếp tục và kéo dài, mối nguy sẽ xảy ra cho gạo xuất khẩu của Thái Lan.
|
Theo ông nguyên nhân từ đâu? Vì sao chất lượng gạo Thái lại bị gạo Việt qua mặt?
Trước đây, chất lượng gạo Việt Nam và Thái Lan có sự chênh lệnh rất rõ rệt và khách hàng đều phải công nhận điều đó khi họ quyết định chọn mặt hàng nào. Gạo Thái Lan luôn ở một bậc cao hơn gạo Việt Nam. Người Thái thường tự hào về điều này. Tuy nhiên, sự chênh lệch đang rút ngắn lại và gần như không còn nhìn thấy rõ nét. Tôi cảm thấy xót khi có những khách hàng nói với tôi rằng chất lượng gạo Việt Nam và Thái Lan gần như không thể phân biệt được. Cả hai có chất lượng như nhau, trong một vài trường hợp gạo Việt Nam có chất lượng tốt hơn, vậy tại sao chúng tôi phải mua gạo Thái với giá cao?
Chất lượng gạo của Việt Nam giờ đã được cải thiện nhiều so với trước. Theo tôi, nguyên nhân là vì VN có chính sách phát triển lúa gạo nhắm vào thành tố chất lượng nhiều hơn, từ đó có lựa chọn đầu tư hợp lý cho giống cây trồng, kỹ thuật và sản xuất. Trong khi đó Thái Lan chỉ quan tâm đến giá cả, làm sao để bán được với giá cao và số lượng nhiều, chất lượng gạo không được chú trọng như đã từng được quan tâm. Tôi cho rằng đã đến lúc người Thái phải học tập người Việt và đầu tư cho chất lượng hạt gạo.
Vậy theo ông người Thái phải học lại người Việt? Thế ngôi xuất khẩu gạo số một thế giới có quan trọng với Thái Lan không? Người Thái có muốn giành lại ngôi vị đó?
Thật là ngượng khi phải nói rằng người Thái phải học tập người Việt. Nếu không chú trọng đến chất lượng thì gạo của Thái Lan sẽ mất vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói rõ rằng đó là thực trạng của gạo trắng, còn gạo thơm (mali) của Thái Lan vẫn giữ được sự ổn định kể cả chất lượng. Gạo thơm Việt Nam và Thái Lan có sự khác biệt và có nhóm khách hàng riêng.
Chúng tôi vẫn muốn là nhà xuất khẩu gạo số một thế giới nhưng đó là mục tiêu đối với gạo thơm. Gạo thơm là thế mạnh xuất khẩu của Thái Lan. Một đối thủ trong vùng đang vươn lên và cạnh tranh mạnh mẽ với Thái Lan trong phân khúc này, đó là Campuchia. Không chỉ có Việt Nam, giờ Campuchia đang phấn đấu thay thế Thái Lan trong phân khúc gạo thơm xuất khẩu.
Bình luận (0)