Theo ông Phạm Thành Kiên, TP HCM đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ, DN sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực mà Sở Công Thương là đầu mối tiếp nhận, hướng dẫn DN. "Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, DN gặp khó khăn, vướng mắc gì, cần Sở Công Thương hỗ trợ gì cứ gửi email đến sở hoặc gửi trực tiếp cho giám đốc sở, chúng tôi sẽ tổng hợp, trong phạm vi sở quản lý sẽ hỗ trợ kịp thời, nếu ngoài phạm vi thì sẽ phối hợp với các sở - ngành khác hoặc ngân hàng (trong trường hợp DN gặp khó khăn trong vay vốn như vừa kể ở trên) để có hướng giải quyết cho DN" - ông Kiên nói.
Cuối năm 2018, TP HCM công bố danh mục các sản phẩm công nghiệp chủ lực, đồng thời đa dạng hóa chính sách, biện pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực cũng như các hoạt động nghiên cứu, tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN, xây dựng cơ chế liên kết giữa DN và đơn vị nghiên cứu, qua đó từng bước hình thành phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã phát triển tốt nhờ nắm bắt kịp thời các chương trình hỗ trợ của TP HCM và chủ động thay đổi
Ông Phạm Thành Kiên cho biết trong thời gian tới, để sản xuất công nghiệp ổn định, Sở Công Thương tham mưu UBND TP giải pháp hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và đã thống nhất với Sở Tư pháp về phương án bổ sung danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực vào chương trình kích cầu đầu tư của TP. Song song đó, phối hợp với Cục Thống kê tổ chức làm việc với các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để tìm hiểu nhu cầu, khó khăn và tìm giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất.
Riêng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, TP đã thông qua Nghị quyết 16 để tập trung hỗ trợ cho DN công nghiệp hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng để tăng năng lực cung ứng. Thời gian qua, Sở Công Thương TP liên tục tổ chức các hoạt động kết nối DN công nghiệp hỗ trợ với DN sản xuất công nghiệp đầu cuối, DN có vốn đầu tư nước ngoài; hoạt động hỗ trợ DN quảng bá và trực tiếp có những hoạt động trực tiếp hỗ trợ DN cải tiến năng lực cung ứng thông qua áp dụng các công cụ cải tiến như dự án SCORE, chương trình đào tạo tư vấn viên về cải tiến năng suất chất lượng. Mục tiêu là DN cải tiến sản xuất liên tục để đẩy mạnh năng suất chất lượng.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM, cho biết các chương trình hỗ trợ cải tiến là nền tảng để DN tiếp cận công nghệ, qua đó từng bước nâng cao năng lực. Qua quá trình hỗ trợ cải tiến, có thể thấy phương thức sản xuất của DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có khoảng cách với DN các quốc gia. Vì vậy, DN phải đầu tư máy móc, công nghệ hoặc thay đổi phương thức sản xuất thông qua cải tiến, nâng cao năng lực thực thi và duy trì cam kết để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Bình luận (0)