Ngày nay, có lẽ ông Mohamad là truyền nhân duy nhất để đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Chăm.
Giữ lại cái hồn của làng nghề
Ông Mohamad cho biết những năm làng nghề dệt thổ cẩm Chăm hưng thịnh có khoảng 200 hộ tham gia, bởi thời kỳ đầu nhu cầu sử dụng sản phẩm của cộng đồng Chăm khá lớn. Cuộc sống hiện đại dần dần thay đổi, làng nghề mai một theo thời gian.
Nhờ giữ làng nghề truyền thống nên ông Mohamad vinh dự được đi báo cáo điển hình và chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
"Nghề dệt thổ cẩm có từ đời cha của tôi. Tính đến đời tôi, làng nghề đã hơn trăm năm tuổi. Lúc giao thời, ở ấp Phũm Soài trở thành làng nghề dệt thổ cẩm rất phát triển, sản phẩm làm ra được thương lái mang đi khắp nơi và bán sang cả Campuchia", ông Mohamad tiết lộ bằng vẻ tiếc nuối với nghề truyền thống.
Mới đây, chúng tôi có dịp ghé tham quan du lịch được chứng kiến chiếc máy kéo sợi, khung dệt với hàng trăm năm tuổi, từ thời của cha ông Mohamad để lại dùng kéo sợi và dệt. Chúng tôi hỏi: "Sao ông không đầu tư máy móc hiện đại để thời gian dệt ra sản phẩm nhanh hơn?" Ông Mohamad thổ lộ: "Tôi đủ khả năng đầu tư máy dệt hiện đại, giúp thời gian dệt nhanh hơn nhưng sản phẩm không còn giữ được nét đặc trưng của làng nghề dệt thổ cẩm Chăm. Nghề dệt thủ công tuy chậm nhưng sản phẩm làm ra bền, chắc, đẹp, du khách ưa chuộng hơn, nhất là các mặt hàng quà lưu niệm. Mặt khác, tôi muốn giữ lại cái hồn cốt của dệt thổ cẩm gia truyền".
Phụ nữ Chăm còn gắn bó với làng nghề thổ cẩm truyền thống rất hiếm hoi
Ông Mohamad cho biết thời hưng thịnh, phụ nữ suốt ngày ngồi bên khung dệt để cho ra sản phẩm. Đàn ông thì nhuộm tơ, làm các công đoạn phụ trợ.
Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chăm hiện không còn cảnh nhộn nhịp như ngày xưa nữa! Thời kỳ phát triển nhất của làng nghề, khi mới bước chân đến đầu ấp đã nghe tiếng khung dệt lách cách phát ra từ hàng trăm hộ gia đình.
Bà Maridam, thợ dệt thổ cẩm Chăm ở ấp Phũm Soài, cho rằng: "Nghề dệt thổ cẩm Chăm bất cứ phụ nữ nào cũng phải biết. Khoảng 12 tuổi, tôi được dạy, tập làm các thao tác đơn giản nhất của nghề dệt. Ngày nay, sản phẩm thổ cẩm Chăm có khác hơn trước nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống".
Ông Mohamad biết cách tạo ra các sản phẩm mới phục vụ khách du lịch để tồn tại làng nghề với thời gian
Giờ đây, cả ấp Phũm Soài chỉ còn ông Mohamad bám trụ với nghề dệt thổ cẩm Chăm truyền thống. Ngoài những sản phẩm đặc trưng để giữ được nét truyền thống, ông chuyển sang chế tạo ra một số sản phẩm mới, như: khăn choàng, nón, áo, túi xách,… được khách hàng ưa chuộng, nhất là du khách ở các tỉnh khác đến, người nước ngoài ghé chọn mua làm quà lưu niệm mỗi khi đi du lịch ở An Giang.
Nặng tình với dệt thổ cẩm
Nhà ông Mohamad nằm nép mình bên bờ sông Hậu cũng là cơ sở duyệt thổ cẩm duy nhất của đồng bào Chăm còn sót lại để nỗ lực giữ gìn nét đẹp thổ cẩm của người Chăm. Đến nay, sản phẩm của ông vẫn giữ được những đường nét, hoa văn đặc trưng của từng sản phẩm.
"Việc gắn bó với làng nghề truyền thống là tôi muốn mọi người biết đến thổ cẩm Chăm độc nhất vô nhị. Bởi, những thế hệ đi trước đã vượt qua biết bao thăng trầm của thời gian để gìn giữ nên tôi muốn tiếp tục bám trụ như trả món nợ ân tình cho thế hệ ông, cha", ông Mohamad cho biết quyết tâm gắn bó với làng nghề.
Các dòng sản phẩm từ thổ cẩm của ông Mohamad sản xuất được khách hàng ưa chuộng, mua làm quà
Ngồi bên nhau trò chuyện, ông Mohamad cho biết để thổ cẩm Chăm tồn tại với thời gian, ông tìm cách phát triển các sản phẩm phục vụ khách du lịch trên tinh thần giữ gìn những đường nét, cái hồn truyền thống. Hiện, ông phát triển hàng chục sản phẩm trên nền thổ cẩm Chăm với sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống pha lẫn hiện đại để phục vụ du khách trong, ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và mua quà lưu niệm trong dịp lễ, Tết.
"Du khách khắp nơi ghé cơ sở dệt thổ cẩm của tôi, họ cảm thấy rất thích thú vì được xem cách dệt thổ cẩm bằng thủ công, mua những sản phẩm của người Chăm. Tôi còn cho du khách dệt thử thổ cẩm, mặc những trang phục truyền thống của người Chăm để chụp ảnh lưu niệm. Nhờ vậy, du khách vô cùng thích thú khi được trải nghiệm với nền văn hóa của người Chăm", ông Mohamad phấn khởi nói.
Ông Mohamad cho biết để sản phẩm thổ cẩm Chăm "sống" được với thời gian, ông phải tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm ở khắp các tỉnh khu vực ĐBSCL và thành phố lớn như TP HCM, TP Hà Nội. "Tại mỗi lần quảng bá, rao bán các dòng sản phẩm thổ cẩm Chăm, tôi nhận được sự yêu thích, đánh giá cao của khách hàng nên sản phẩm vẫn tồn tại cùng năm tháng", ông Mohamad chia sẻ.
Theo thời gian dần trôi, làng nghề dệt thổ cẩm dần mai một, bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm của đồng bào Chăm không được nhiều, nhưng ông Mohamad vẫn quyết tâm giữ lấy cái nghề truyền thống của gia đình đã gắn bó qua bao thế hệ người!
Bình luận (0)