Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất do Bộ Tài chính soạn thảo, nhằm kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động, sản xuất - kinh doanh trong những ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 đã hết hạn góp ý vào ngày 18-3, dự kiến sớm được ban hành trong vài ngày tới.
Giãn nộp 11.700 tỉ đồng thuế trong 6 tháng
Theo dự thảo này, doanh nghiệp (DN) thuộc đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19 sẽ được gia hạn nộp thuế GTGT của các tháng tính từ tháng 3 đến tháng 6-2020. Bộ Tài chính đã tính ra số tiền thuế GTGT mà DN được gia hạn là 11.700 tỉ đồng. Còn ngân sách nhà nước thì chỉ chậm thu chứ không giảm vì thuế GTGT là sắc thuế mà DN thu từ người tiêu dùng, buộc phải nộp lại cho ngân sách.
Do thời hạn nộp thuế được giãn ra trong nhiều tháng nên DN sẽ không lo ngại bị phạt tiền chậm nộp, tập trung dòng tiền vào sản xuất - kinh doanh. Bởi theo quy định hiện nay, DN đăng ký nộp thuế GTGT theo quý sẽ có 30 ngày không bị phạt tiền nộp chậm. Sau khoảng thời gian này, nếu DN chưa nộp sẽ bị cơ quan thuế xử phạt 0,03%/ngày. Do đó, khi nghị định được ban hành, thời hạn nộp thuế GTGT đối với DN nộp theo quý lên tới 6 tháng. Nghĩa là DN không bị cơ quan thuế phạt tiền nộp chậm trong vòng 180 ngày.
Cũng theo dự thảo nghị định, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được gia hạn nộp thuế thu nhập đến trước ngày 15 -12.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Cục Thuế TP HCM cho biết đã phổ biến chính sách gia hạn thuế đến các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhiều đơn vị đã nộp đơn xin gia hạn thời hạn nộp thuế. Theo đó, cơ quan thuế đã sẵn sàng rà soát đúng đối tượng, xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế và chỉ chờ Chính phủ chính thức ban hành nghị định về gia hạn thuế để thực hiện.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), để được gia hạn nộp thuế, DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh cần gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế cho cơ quan thuế, chậm nhất là ngày 31-5. Tuy nhiên, hằng tháng hoặc hằng quý, người nộp thuế phải khai thuế theo đúng quy định và khi nhận được đơn gia hạn nộp thuế, cơ quan thuế sẽ rà soát và gia hạn.
Ông Thi cũng lưu ý chỉ gia hạn tiền thuế GTGT phát sinh phải nộp của DN, không gia hạn số nợ trước. Ông Thi cho rằng việc gia hạn cả với tiền nợ trước là đánh đồng giữa DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế với DN không chấp hành tốt.
Trong khi đó, một số DN phản ánh để được gia hạn thời hạn nộp thuế với lý do dịch bệnh, cá nhân, họ phải thực hiện các thủ tục khá phức tạp. Họ phải lập hồ sơ gửi cơ quan thuế bao gồm đề nghị gia hạn nộp thuế, biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại vì dịch bệnh; văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc UBND cấp xã, phường hoặc của ban quản lý KCN, KCX... tiêu tốn rất nhiều thời gian. Đến khi được cơ quan thuế đồng ý gia hạn nộp thuế thì có thể hoạt động của DN đã đình trệ.
Hoạt động kinh doanh tại chợ An Đông (TP HCM) bị giảm sút rất mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tiểu thương mong muốn được giảm nhiều loại thuế phí để duy trì hoạt động. Ảnh: TẤN THẠNH
Hỗ trợ mạnh tay hơn nữa
Một số ý kiến khác cho rằng ngoài gia hạn nộp thuế, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh tay hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho DN bật dậy sau khi dịch bệnh kết thúc. Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, kiến nghị Chính phủ miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm từ 50% - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không; đồng thời rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch bệnh chấm dứt, DN "rộng tay, rộng chân hơn để phát triển".
Sở Công Thương TP HCM đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giảm 5% thuế GTGT, 50% thuế thu nhập (TN) DN và 50% thuế nhập khẩu… cho các DN bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý Thuế TP HCM, cho rằng nhà nước có thể giãn các khoản phải nộp về thuế, phí của quý IV/2019 và cho đến hết tháng 6-2020; miễn các khoản thu của năm 2020 về thuế phi nông nghiệp, quỹ phòng chống thiên tai và các khoản thu bắt buộc khác. "Chính phủ có thể kiến nghị Quốc hội giảm 50% thuế suất GTGT và thuế TNDN kể từ tháng 4 để tăng tổng cầu xã hội, giúp DN tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách kích cầu trực tiếp bằng nhiều biện pháp mở rộng thị trường, gia tăng nhu cầu mua hàng, giúp DN bán hàng trong nước để bù đắp khó khăn trong xuất khẩu. Ngân sách nhanh chóng giải ngân các công trình công cộng như cầu cống, đường sá, làm sạch sông ngòi, công trình thủy lợi... vì đây là nguồn vốn "mồi" làm động lực cho nền kinh tế phát triển, vượt qua dịch Covid-19" - ông Nghĩa đề xuất.
Ông Phạm Đình Thi cho biết Chỉ thị 11 của Thủ tướng có đề cập miễn giảm thuế, phí cho DN trong bối cảnh này. Xác định các khoản phí, lệ phí là chi phí đầu vào của DN nên Bộ Tài chính đã ban hành một số nghị định nhằm "tiếp sức" cho DN. Chẳng hạn, mới nhất, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 22 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 139 về lệ phí môn bài. Trong đó, miễn lệ phí môn bài hằng năm đối với HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở giáo dục, mầm non công lập và cơ sở giáo dục công lập; miễn lệ phí môn bài năm đầu của DN, hộ gia đình, cá nhân và nhóm cá nhân thành lập mới; miễn lệ phí môn bài với chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện do DN còn nhỏ và vừa mới thành lập…
Đề nghị giảm thuế hàng loạt mặt hàng
Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017 và Nghị định số 122/2016 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, đề nghị giảm thuế cho 14 mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp; giảm thuế nhập khẩu cho 25 mặt hàng cơ khí. Đơn cử, mặt hàng động cơ giảm thuế từ 20% xuống 10%; bộ phận của máy thổi khí giảm từ 15% xuống 10%... Đối với ngành công nghiệp, nghị định bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất gia công, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển công nghiệp cho ngành sản xuất lắp ráp ôtô, góp phần giảm chi phí đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bình luận (0)