Nhiều ngân hàng (NH) sẽ bầu bổ sung và bầu thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới. Dự báo tại đại hội cổ đông sắp tới của một số NH, việc bầu cử có thể gay go.
Nhiều "đại gia" xin rút lui
Ngày 19-4 tới đây, đại hội cổ đông của NH Á Châu (ACB) sẽ tiến hành bầu 11 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2018-2023). Do ông Trần Mộng Hùng và ông Trần Trọng Kiên - 2 thành viên HĐQT cũ - không ứng cử nên trong 11 ứng cử viên chỉ có 6 người hiện là thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ, trong đó có ông Trần Hùng Huy (Chủ tịch HĐQT - con ông Trần Mộng Hùng) và bà Đặng Thu Thủy (vợ ông Trần Mộng Hùng).
Còn 5 ứng cử viên mới là các ông Đỗ Minh Toàn (Tổng Giám đốc ACB), Nguyễn Văn Hòa (Phó Tổng Giám đốc ACB), Hiep Van Vo (người Mỹ gốc Việt, Giám đốc điều hành CVC Asia Pacific), Huang Yuan Chiang (chuyên gia tư vấn) và ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Diên Hồng, từng là Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch HĐQT của NH Việt Nam Thương Tín).
Do ACB có số ứng cử viên ngang bằng với số lượng thành viên HĐQT bầu chọn cho nhiệm kỳ mới nên một số cổ đông NH này cho rằng nếu các nhóm cổ đông lớn đồng thuận thì việc bỏ phiếu bầu chọn thành HĐQT sẽ hết sức đơn giản. Ngược lại, kết quả bầu cử sẽ rất khó đoán bởi theo quy định, ứng cử viên không đạt 51% số cổ phần có quyền biểu quyết sẽ không trúng cử.
Sau ACB một ngày, đại hội cổ đông của NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, đồng thời miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Kiều Hữu Dũng, trước đó đã có đơn xin từ nhiệm.
Giới đầu tư chứng khoán nhận định việc bầu bổ sung thành viên HĐQT Sacombank sẽ phụ thuộc khá nhiều vào lá phiếu của cổ đông lớn - Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Bởi công ty này là đại diện vài chục % vốn cổ phần mà ông Trầm Bê đã ủy quyền cho NH Nhà nước và NH Nhà nước đã giao VAMC đại diện cho số vốn cổ phần này tại Sacombank.
Đại hội cổ đông sắp tới của nhiều ngân hàng sẽ bầu HĐQT mới
Tâm điểm Eximbank, Kienlongbank
Thế nhưng, tâm điểm của mùa đại hội cổ đông NH năm 2018 là việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và bầu mới HĐQT NH Kiên Long (Kienlongbank).
Một lãnh đạo Kienlongbank cho biết tại đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 26-4 tới, các cổ đông là chủ tịch và phó chủ tịch HĐQT đương nhiệm không ứng cử vào HĐQT mới. Từ đó, trong 7 ứng cử viên, chỉ 5 người là thành viên HĐQT cũ. "Tuy nhiên, do Kienlongbank chỉ bầu chọn 6 thành viên nên việc bầu cử HĐQT NH có thể rất gay cấn" - vị này nhận định.
Trong khi đó, Eximbank thông báo ngày 27-4, đại hội cổ đông NH này sẽ bầu chọn 2 trong số 4 ứng cử viên để tăng số lượng thành viên HĐQT từ 9 lên 11 người. Hiện 9 thành viên HĐQT Eximbank gồm các ông: Lê Minh Quốc, Đặng Anh Mai, Yasuhiro Saitoh, Nguyễn Quang Thông, Hoàng Tuấn Khải, Ngô Thanh Tùng, Cao Xuân Ninh, Lê Văn Quyết, Yutaka Moriwaki.
Do Eximbank chưa công bố danh tính của 4 ứng cử viên đại diện cho các nhóm cổ đông nào nên tại thời điểm này, nhiều người đang bàn tán về khả năng trúng cử của các ứng viên. Theo các cổ đông, có 2 ứng cử viên, mỗi người đại diện 10% cổ phần cho một nhóm cổ đông đang nắm giữ 30% cổ phần Eximbank.
Hai ứng cử viên còn lại, trong đó có một người quốc tịch Anh đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ gần 30% cổ phần Eximbank bao gồm: đối tác chiến lược Nhật Bản 15%, các quỹ đầu tư nước ngoài gần 5%, chủ một doanh nghiệp vận tải xăng dầu gần 5% và một số cá nhân khác khoảng 5%.
Tuy nhiên, do một trong 2 nhóm cổ đông đã có 4 người hiện là thành viên HĐQT, nay lại tiếp tục ứng cử thêm 2 người, trong khi nhóm cổ đông thứ 2 thì chưa có đại diện của mình trong HĐQT nên 2 nhóm cổ đông này thường bất hòa mỗi khi Eximbank bầu bán thành viên HĐQT.
Trong khi đó, NH Ngoại thương (Vietcombank) sở hữu 8,2% cổ phần Eximbank, một nhóm cổ đông trung lập bao gồm các NH, doanh nghiệp nắm giữ 10% cổ phần, số cổ phần còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Từ đó, nhiều cổ đông Eximbank nhận định 2 ứng cử viên trúng cử thành viên HĐQT sẽ phụ thuộc rất lớn vào lá phiếu của cổ đông lớn - Vietcombank, nhóm cổ đông trung lập và các cổ đông nhỏ.
Ứng cử viên phải qua 2 vòng sơ tuyển
Theo quy định, một trong những tiêu chí hàng đầu để ứng cử vào HĐQT một NH là ứng cử viên đó phải được nhóm cổ đông nắm giữ 10% cổ phần có quyền biểu quyết giới thiệu hoặc HĐQT đương nhiệm tiến cử. Tiếp đến, HĐQT của NH đó kiểm tra hồ sơ, lập danh sách gửi NH Nhà nước phê duyệt. Trên cơ sở đó, NH Nhà nước tiếp tục kiểm tra hồ sơ, xác nhận ứng cử viên đủ điều kiện ứng cử vào HĐQT. Khi đó, đại hội cổ đông của NH mới được phép tiến hành bầu cử thành viên HĐQT. Ứng cử viên nào đạt 51% số cổ phần biểu quyết thì trúng cử.
Bình luận (0)