Đây là ý kiến của các chuyên gia kinh tế khi đề cập việc điều chỉnh tăng giá điện 5% vừa qua của Bộ Công Thương. Các chuyên gia cho rằng đây không phải thời điểm thích hợp cho việc tăng giá, nhất là tăng với những lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra.
Lý do không thuyết phục
Từ 1-7, giá điện tăng thêm 5%. Trong ảnh: Khách hàng đóng tiền điện tại Điện lực Sài Gòn. Ảnh: HỒNG THÚY
EVN nói rằng các yếu tố đầu vào tăng là không hợp lý. “Giờ người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ các chính sách kinh tế vĩ mô chống lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng vừa giảm chưa giúp các mặt hàng thiết yếu giảm theo nay giá điện tăng không khác gì tăng áp lực cho người dân!” - TS Đinh Thế Hiển thẳng thắn.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng thực ra chỉ có một lý do giải thích hợp lý việc tăng giá là lấy kinh phí này để bù vào những khoản lỗ trong các năm trước. Và tăng giá điện còn để bù vào những khoản lương “khủng” của lãnh đạo ngành điện, thay vì chi phí sản xuất.
EVN đang tính giá điện theo cách “gom” mọi chi phí đầu vào để ra giá thành. Điều này chẳng khác nào bắt người dân gồng gánh những hoạt động đầu tư ngoài ngành thua lỗ của mình. Trong khi người dân lại không thể kiểm soát được đâu là chi phí sản xuất, chi phí đầu tư ngoài ngành… EVN là tập đoàn Nhà nước được ưu ái về nhiều mặt từ vốn, đầu tư… nhưng không giúp cho việc giảm giá điện mà còn tăng liên tục trong thời gian qua.
“Giá điện trước nay chỉ một chiều tăng mà không giảm, bất kể các yếu tố đầu vào có giảm thế nào. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về lợi ích nhóm và trách nhiệm xã hội của ngành điện?” - TS Nguyễn Minh Phong băn khoăn.
Đòn nặng nề cho doanh nghiệp
Trong thông báo của mình, EVN còn khẳng định đợt tăng giá điện lần này chỉ khoảng 5% nên sẽ tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Theo đó, người dân chỉ phải tăng thêm vài chục ngàn đồng tiền điện mỗi tháng. Với những hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng sẽ không bị tác động do giá điện 993 đồng/kWh không đổi...
Điện là yếu tố đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất nên tác động từ việc tăng giá sẽ lớn hơn nhiều mức công bố của EVN, nhất là việc lợi dụng tăng giá điện để “té nước theo mưa”. “Có thể sau vài tháng, người ta mới thấy tác động trực tiếp của việc điện tăng giá nhưng chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với dự báo của EVN và không thể là “tác động không đáng kể” - TS Lê Đăng Doanh nói.
TS Lê Đăng Doanh lo ngại DN đang phải xoay xở với hàng loạt khó khăn trước mắt, nay điện tăng giá, giá nước cũng tăng gấp rưỡi từ ngày 11-7 chẳng khác nào bồi thêm một đòn nặng nề cho DN. Các DN sẽ phải tăng chi phí, đẩy giá thành sản phẩm tăng lên nhưng giá bán lại khó điều chỉnh nên càng khó khăn.
Người dân sẽ phải chịu chi phí kép Theo TS Nguyễn Minh Phong, dù không phải trả thêm tiền điện nhưng người nghèo sẽ phải tăng chi phí cho giá hàng hóa, dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá điện nên không thể nói “không bị ảnh hưởng”. Với người dân sử dụng trên 50kWh/tháng sẽ phải trả thêm tiền điện và ảnh hưởng nhất là các DN sản xuất kinh doanh tiêu thụ nhiều điện năng khi lợi nhuận giảm, sức cạnh tranh yếu đi vì chi phí đầu vào tăng. Người dân sẽ phải chịu chi phí kép từ việc tăng giá chứ không đơn giản và dễ dàng như lý giải của ngành điện. |
Bình luận (0)