Trái với mong đợi của đại đa số người tiêu dùng, đã gần 1 tuần sau khi giá xăng giảm về mức 25.000 - 26.000 đồng/lít nhưng giá hàng hóa, dịch vụ chẳng những chưa giảm mà một số mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt cá, trứng gà… trên thị trường còn có xu hướng tăng.
Bơm khuyến mãi liên tục để giữ chân khách
Lý giải hiện tượng này, nhiều nhà sản xuất, cung ứng hàng thực phẩm có uy tín tại TP HCM cho biết hiện giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi đã tăng 40%-50%; các loại bột, ngũ cốc, sữa đường, dầu cọ... cũng tăng trên 30% so với cuối năm 2021, giá xăng dù đã giảm mạnh nhưng nhất thời chưa tác động giảm giá các loại nguyên vật liệu chính dùng trong sản xuất, chăn nuôi nên chưa thể giảm giá.
Ngày 24-7, trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện một số hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM cho biết chưa có nhà cung cấp nào gửi văn bản thông báo giảm giá. Tuy nhiên, tới thời điểm này, "làn sóng" tăng giá cũng đã chững lại, doanh thu của các siêu thị dần cải thiện tốt hơn. "Thực phẩm tươi sống được cung cấp hằng ngày, vốn nhạy cảm với các yếu tố đầu vào như thời tiết, được hoặc mất mùa, chi phí vận chuyển... nên sau khi giá xăng giảm, nhiều mặt hàng rau củ đã được bán với giá rẻ hơn trước" - đại diện Lotte Mart cho hay.
Theo thống kê sơ bộ của các hệ thống siêu thị, ngay trong giai đoạn giá cả hàng hóa tăng cao, doanh thu của các siêu thị vẫn tăng khá, chủ yếu là do chính sách giá tốt. "Trước đây Lotte Mart không cạnh tranh về giá nhưng chiến lược hiện tại là vừa tập trung giá vừa tăng trải nghiệm của khách hàng. Đặc biệt, Lotte Mart chăm sóc tốt hơn nhóm khách hàng thành viên thông qua rất nhiều ưu đãi và tặng điểm thưởng quy đổi thành tiền cho nhóm khách hàng này" - đại diện Lotte Mart giải thích một trong những lý do sức mua tăng.
Theo ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống MM Mega Market, thông tin tổng hợp diễn biến giá cả hàng hóa và sức mua của chuỗi MM Mega Market cho thấy giá xăng giảm trong thời gian qua chưa đủ sức tác động đến giá cả hàng hóa nói chung. "Trong khó khăn, xu hướng người tiêu dùng quan tâm đến hàng khuyến mãi càng rõ rệt. Đến 30%-40% doanh thu của hệ thống đang đến từ nhóm hàng khuyến mãi trong khi bình thường tỉ lệ này dao động khoảng 20%. Hay như trong danh sách 200 mặt hàng tiêu thụ tốt nhất hiện nay, có đến 120-140 mặt hàng có khuyến mãi" - ông Khôi nêu dẫn chứng. Nắm bắt xu hướng này, MM Mega Market chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để tăng cường các hoạt động khuyến mãi, giảm giá, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiết kiệm của khách hàng.
Tương tự, siêu thị Emart cũng "đánh" mạnh về giá để thu hút và giữ chân khách hàng. Ông Lê Hữu Tình, đại diện Emart, cho hay trong bối cảnh vật giá leo thang, người tiêu dùng ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí tươi ngon, chất lượng, tốt cho sức khỏe và mức giá phải chăng.
"Từ nay đến ngày 3-8, Emart mang đến chương trình hơn 200 sản phẩm thực phẩm tươi sống giảm giá lớn, với mức giá giảm chưa từng có đối với mặt hàng gạo ST 25, trứng gà, rau - trái cây Đà lạt, thịt, cá các loại. Cũng trong thời gian này, Emart ưu đãi lên đến 50% cho tất cả nhóm hàng hiện có tại khu vực siêu thị tự chọn. Trong các tháng tiếp theo sẽ có thêm nhiều chương trình "nặng ký" khác" - ông Tình nhấn mạnh.
Các siêu thị đang dành nhiều ưu đãi về giá cho các mặt hàng thực phẩm thiết yếu để thu hút khách Ảnh: Phương An
Chờ vật liệu xây dựng, vận tải giảm giá
Giới xây dựng vừa nhận tin vui khi các công ty thép lần lượt thông báo giảm giá bán, mức giảm nhiều nhất lên đến 360.000 đồng/tấn. Như vậy, theo các doanh nghiệp (DN), từ ngày 11-5 đến nay, giá thép trong nước giảm lần thứ 10 liên tục với mức giảm cao nhất hơn 4 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Giám đốc Công ty Xây dựng Dori, ông Trương Thi, cho hay giá thép được các đại lý thông báo giảm liên tục nhưng giá bê-tông và một số loại vật liệu xây dựng chủ lực khác như cát, đá, xi-măng chẳng những không giảm mà còn tăng. Đơn cử, cách đây 1 tuần, giá bê-tông đã tăng thêm 100.000 đồng/m3, lên mức 1,5 triệu đồng/m3, trong khi đầu năm chỉ khoảng 1,25 triệu đồng/m3. Giá các loại đá, cát cũng chưa hạ nhiệt.
Ông Thi tính toán chi phí cho cho công trình gồm thép, bê-tông, cát đá... chiếm phần lớn trong khung chi phí vật liệu. Thông thường, khi giá thép giảm là các loại nguyên vật liệu khác giảm theo, đặc biệt là khi giá xăng giảm thì những chi phí liên quan đến vận chuyển cũng giảm nhưng lần này chưa thấy chuyển biến.
"Chỉ mong vài tuần nữa giá tất cả nguyên vật liệu sẽ dịu xuống cùng giá thép, giá xăng để nhà thầu xây dựng đỡ áp lực. Nhiều nhà thầu đang gồng gánh chi phí công trình tăng vọt vì giá vật tư, nhân công… vượt xa dự toán" - ông Thi bộc bạch.
Vận tải là một trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và dễ phản ứng theo giá xăng. Dù vậy, sau 2 đợt giá xăng giảm mạnh liên tiếp trong tháng 7, các DN vận tải hành khách lẫn hàng hóa vẫn đang "làm thinh". Nguyên nhân là do hầu hết DN vận tải đã "bấm bụng" giữ giá cước trong những thời điểm giá xăng tăng đột biến để giữ khách. Nay xăng giảm, DN vẫn chưa hòa vốn để có thể tính đến khả năng điều chỉnh.
Ông Hoàng Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy, giải thích chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40%-60% cước vận tải hành khách. Khi giá dầu ở mức 12.000-13.000 đồng/lít, giá cước xe khách tuyến TP HCM - Gia Lai (600 km) là 350.000 đồng/vé; giá dầu lên 30.000 đồng/lít, giá vé vẫn không thay đổi. Nay giá dầu giảm còn khoảng 24.000 đồng/lít, nhà xe vẫn lỗ.
Ông Thủy thông tin thêm vận tải hàng hóa cũng tương tự, do cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này mà DN không thể tăng giá cước trong thời gian qua nên lúc này cũng không thể điều chỉnh giảm. Đại diện hãng taxi Vinasun thì thông tin hãng đang tính toán, cân đối giá cước mới sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian qua. "Trong tuần này sẽ có quyết định về việc giá cước giảm cụ thể là bao nhiêu. "Tối đa, chúng tôi chỉ có thể giảm khoảng 1.100 đồng/km" - đại diện Vinasun thông tin.
Một trường hợp khác, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, phản ánh giá nhiên liệu thời gian qua tăng quá cao nhưng một số đơn vị vận tải cũng chỉ đàm phán được với khách hàng về việc điều chỉnh giá cước tăng được khoảng 5% - 10%, chưa tương xứng với mức tăng giá nhiên liệu. Tính chung, mức giảm giá xăng dầu hiện nay vẫn chưa thể bù đắp chi phí nên DN chưa thể giảm giá cước lúc này.
Ông Phan Thanh Hậu, chủ DN vận tải hàng hàng hóa Khang Minh, thì cho biết đã giảm giá cước đối với một số khách hàng lẻ tương ứng với mức tăng trước đây; còn khách hàng thường xuyên đều đã ký hợp động cả năm nên xăng dầu tăng giảm giá đều không ảnh hưởng.
Chủ động bán giá phải chăng
Không chỉ các DN bán lẻ chuyên nghiệp dành kinh phí cho khuyến mãi để cải thiện sức mua mà tại các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương cũng chủ động bán giá phải chăng, nhận đặt hàng qua điện thoại, giao hàng miễn phí... cho khách.
Ông Ngô Văn Hà - Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM - cho biết ban quản lý chợ đang vận động tiểu thương tiếp tục thực hiện khuyến mãi giảm giá để cải thiện doanh thu. "Trong tháng khuyến mãi tập trung của TP HCM (từ ngày 15-6 đến 15-7), hơn 100 gian hàng tại chợ tham gia giảm giá 5%-10%. Thời gian đó, lượng khách vào chợ tăng lên đáng kể, nhất là những ngày cuối tuần, tiểu thương rất phấn khởi nên vui vẻ phát huy" - ông Hà nói.
Ông Nguyễn Thành Châu - Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình, TP HCM - cho hay phần lớn tiểu thương đều giảm giá cho người mua một vài ngàn đồng. "Trước đây, sức mua ở chợ giảm rất mạnh, chỉ đạt khoảng 20%-30% nhưng gần đây có tăng lên được khoảng 60% so với điểm trước dịch Covid-19. Do sức mua vẫn còn chậm nên tiểu thương không dám bán giá cao, thậm chí chấp nhận bán với giá hòa vốn để giữ khách" - ông Châu cho hay.
Bình luận (0)