Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết nguyên nhân chủ yếu do tăng nguồn cung heo từ các tỉnh phía Bắc chuyển vào với giá thấp hơn. Các trại heo có xu hướng bán heo sớm (từ 80-90 kg/con) thay vì đợi heo lớn (110-120 kg/con) như bình thường. Ngoài ra, đang là thời điểm sức mua thịt heo yếu do thời tiết nắng nóng và thông tin dịch bệnh cũng khiến người dân lo ngại.
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo ở siêu thị Ảnh: TẤN THẠNH
Người tiêu dùng có xu hướng giảm mua thịt heo chủ yếu ở kênh truyền thống, đặc biệt là các sạp tự phát do lo ngại nguồn heo thiếu kiểm soát. Trong khi đó, sức mua thịt heo tại các cửa hàng, siêu thị ít bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), nhìn nhận sản lượng thịt heo tiêu thụ của hệ thống vẫn bình thường, không bị giảm. Theo ông Phú, giá heo giảm chỉ là nhất thời, nếu đến cuối tháng 3, Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, giá heo sẽ tăng mạnh do hụt nguồn cung heo an toàn. Trường hợp dịch tiếp tục lan rộng sẽ tính đến phương án nhập khẩu thịt heo để bảo đảm tiêu dùng trong nước.
Cũng liên quan đến thịt heo, Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố một thống kê cho thấy trung bình mỗi tuần, một hộ gia đình ở các đô thị lớn như TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội chi khoảng 1,1 triệu đồng để mua thực phẩm tươi sống. Mức tiêu thụ này gấp 3 lần so với các mặt hàng tiêu dùng nhanh hằng ngày. Thịt heo xếp vị trí thứ 2 trong nhóm sản phẩm với 14%.
Còn theo Sở Công Thương TP HCM, mỗi ngày người dân TP tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, 87% trong đó tiêu thụ ở kênh truyền thống, 13% ở kênh hiện đại.
Bình luận (0)