Ở thị trường vàng trong nước sáng 10-2 (tức 29 Tết), giá vàng SJC quay đầu đi xuống sau một ngày tăng mạnh.
Lúc 9 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp mua vào 56,7 triệu đồng/lượng, bán ra 57,25 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 100.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24Kcác loại được giao dịch quanh 54,9 triệu đồng/lượng mua vào, 55,25 triệu đồng/lượng bán ra, thấp hơn vàng SJC khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng trong nước bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi các doanh nghiệp vàng và ngân hàng thương mại đóng cửa giao dịch, chỉ một số tiệm vàng nhỏ còn hoạt động.
Các đơn vị kinh doanh vàng đã thu hẹp chênh lệch giá mua - bán vàng trang sức chỉ còn 350.000 đồng/lượng nhằm kích thích nhu cầu giao dịch trên thị trường; trong khi vàng SJC lại giãn rộng biên độ giá mua - bán lên tới 750.000 đồng/lượng trong bối cảnh đang cao hơn kỷ lục so với giá thế giới.
Đến 9 giờ 30 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mức 1.840 USD/ounce, tương đương 51,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 6,1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm hiện được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.137 đồng/USD. Giá USD ở các ngân hàng thương mại phục hồi lên 22.910 đồng/USD mua vào, 23.090 đồng/USD bán ra, tăng 50 đồng mỗi USD so với sáng hôm qua.
Khoảng 6 giờ ngày 10-2 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.838 USD/ounce, tăng thêm 8 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm trước.
Tuy giá vàng thế giới tiếp tục tăng nhưng trước đó từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 9-2, giá vàng SJC lại giảm 200.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 57,35 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 6,2 triệu đồng/lượng.
Giới kinh doanh cho biết hôm nay (10-2) tức 29 tháng Chạp, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng cỡ lớn đã nghỉ Tết. Theo đó, tùy vào sức mua và mức độ biến động của giá vàng thế giới, mỗi chủ tiệm vàng sẽ quyết định giá vàng SJC, vàng nhẫn và trang sức vàng.
Giá vàng tăng tiếp khi đồng USD tiếp tục suy yếu trên diện rộng, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm khiến nhà đầu tư chuyển dịch một phần dòng tiền vào kim loại quý, tác động tích cực đến thị trường vàng.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh dịch bệnh, các biện pháp kích thích kinh tế, chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương, các chương trình hỗ trợ của nhiều quốc gia đã và chuẩn bị triển khai có thể tạo ra lạm phát toàn cầu trong thời gian tới. Vì thế, giới đầu tư tài chính tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào vàng nhằm phòng ngừa lạm phát gia tăng. Giá vàng có lúc tăng hàng chục USD/ounce.
Tuy nhiên, khi vàng lên tới một mức giá phù hợp, không ít nhà đầu tư đã tranh thủ bán ra thu lợi nhuận hoặc bán khống chờ vàng giảm giá sẽ mua vào hưởng chênh lệch. Biểu hiện rõ nhất là trong phiên giao dịch kéo dài từ đêm ngày 8 đến rạng sáng 9-2, một số quỹ đầu tư đã bán 5,15 tấn vàng; trong đó quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares bán 1,15 tấn.
Diễn biến thị trường cho thấy vào đầu ngày 9-2 dòng tiền tiếp tục chảy vào kim loại quý. Giá vàng tăng 18 USD/ounce, từ 1.830 USD/ounce lao lên 1.848 USD/ounce.
Với mức giá này, nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay bán ra chốt lời. Số khác thì bán khống chờ giá vàng đi xuống sẽ mua lại thu về lợi nhuận. Theo đó, giá vàng phải chấp nhận trở về vùng 1.830 USD/ounce. Tiếp đến, những người đã bán khống bắt đầu mua vào. Giá vàng lại bốc đầu đi lên. Đến 6 giờ ngày 10-2, giá vàng tạm dừng tại 1.838 USD/ounce.
Bình luận (0)