Giá vàng đang biến động khó lường (Ảnh: Thy Thơ)
Trong phiên giao dịch ngày 15-9, thị trường vàng quốc tế biến động trái chiều. Giá vàng thế giới từ 1.957 USD/ounce vọt lên 1.973 USD/ounce, sau đó liên tục lao xuống dốc về mức 1.946 USD/ounce (lúc 22 giờ theo giờ Việt Nam). Đến rạng sáng 16-9, giá vàng lại tăng lên 1.954 USD/ounce.
Trong khi đó, giá vàng tại Việt Nam ngày 15-9, tăng 100.000 đồng/lượng, từ 56,6 triệu đồng lượng lên 56,7 triệu đồng/lượng, tiếp tục cao hơn 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi là 54,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng rồi giảm mạnh trong bối cảnh giới đầu tư bán ra USD, khiến đồng tiền này tiếp tục suy yếu. Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu đi lên; riêng chứng khoán Nhận Bản thì "đỏ" sàn. Đây là yếu tố thường tác động đến giá vàng bởi khi chứng khoán có xu hướng "xanh" sàn, giới đầu tư quốc tế thường hạn chế nắm giữ vàng, dồn vốn vào cổ phiếu. Cụ thể, trong hai ngày 14 và 15-9, cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu tăng giá, nhiều tổ chức tài chính mua vàng với số lượng nhỏ (khoảng 1,8 tấn vàng), còn quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares thì không có động thái mua bán.
Hiện tại, nhà đầu tư toàn cầu đang dồn sự chú ý vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, vào rạng sáng 17-9 (thứ năm), nếu FED công bố thay đổi hay giữ nguyên lãi suất 0%-0,25% đều tác động nhất định đến giá trị đồng USD, qua đó ảnh hưởng đến giá vàng.
Một số nhà phân tích cho rằng từ nay đến hết năm 2020, sự bất ổn kinh tế xung quanh đại dịch COVID-19, tình hình địa chính trị diễn biến khó lường, mức độ rủi ro ngày càng tăng trên thị trường chứng khoán sẽ làm tăng nhu cầu trú ẩn vào vàng. Do đó, giới đầu tư có thể mạnh tay bỏ vốn vào vàng, dự báo kim loại quý này có thể chạm mức 2.300 USD/ounce. Thế nhưng, không ít ý kiến nhận định giá vàng sẽ đi ngang vì các nhà đầu tư đang chờ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, sau chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Diễn biến tăng giảm khó lường của giá thế giới khiến giá vàng trong nước cũng sôi động hơn. Vừa mở cửa giao dịch, giá vàng SJC được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm đáng kể so với hôm qua.
Lúc 8 giờ 30, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng miếng mua vào 56,05 triệu đồng/lượng, bán ra 56,55 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 250.000 đồng mỗi lượng so với sáng qua.
Đáng lưu ý, chênh lệch giá mua – bán được công ty SJC nới rộng lên 500.000 đồng/lượng, tăng khoảng 100.000 đồng so với hôm qua nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trên 1 triệu đồng/lượng được doanh nghiệp này neo trong những thời điểm "sốt" giá.
Tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI giao dịch giá vàng SJC mua vào 56,12 triệu đồng/lượng, bán ra 56,55 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC giữa các doanh nghiệp không có sự cách biệt nhiều trong vài ngày qua, phản ánh nhu cầu giao dịch trên thị trường rất kém.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại lại ổn định, không thay đổi so với hôm, qua quanh mức 54 triệu đồng/lượng mua vào, 54,7 triệu đồng/lượng bán ra, thấp hơn vàng SJC khoảng 1,8 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết sáng nay khoảng 1,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng được rút ngắn so với những ngày trước, dù vẫn ở mức khá cao.
Trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.198 đồng/USD, giảm thêm 5 đồng/USD so với hôm qua. Dù vậy, giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục ổn định so với hôm trước, quanh 23.090 đồng/USD mua vào, 23.270 đồng/USD bán ra.
Bình luận (0)