Lúc 8 giờ 30 sáng 17-4, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 55,13 triệu đồng/lượng, bán ra 55,56 triệu đồng/lượng, tăng thêm 80.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp giao dịch giá vàng SJC mua vào 55 triệu đồng/lượng, bán ra 55,5 triệu đồng/lượng.
Biên độ chênh lệch giá mua - bán được các doanh nghiệp nới rộng lên mức 500.000 đồng/lượng khi giá vàng thế giới tăng mạnh 2 ngày nay.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch phổ biến ở mức 51,91 triệu đồng/lượng mua vào, 52,51 triệu đồng/lượng bán ra, tăng thêm 210.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Giá vàng trang sức có xu hướng tăng mạnh hơn đà đi lên của giá vàng SJC, giúp khoảng cách chênh lệch thu hẹp. Hiện giá vàng trang sức chỉ còn thấp hơn vàng SJC khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới ở mức 1.776 USD/ounce, tương đương khoảng 49,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 6 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng trang sức khoảng 2,9 triệu đồng/lượng.
Tỉ giá trung tâm cuối tuần được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.196 đồng/USD, không thay đổi so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng tiếp tục ổn định quanh mức 22.980 đồng/USD mua vào, 23.160 đồng/USD bán ra.
Khoảng 6 giờ ngày 17-4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.777 USD/ounce, tăng thêm 13 USD/ounce, sau khi đã tăng 28 USD/ounce vào phiên giao dịch trước.
Theo giới phân tích, dữ liệu kinh tế Mỹ, Trung Quốc tốt lên và có thể kinh tế châu Âu, Nhật Bản sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng tới đã thúc đẩy giới đầu tư tài chính đưa vốn vào cổ phiếu. Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đồng loạt "xanh" sàn sau khi đã tăng điểm dữ dội trong phiên giao dịch trước.
Tuy dòng tiền đã chảy mạnh vào chứng khoán nhưng giá vàng hôm nay (17-4) vẫn tiếp tục tăng. Nguyên nhân có thể giới đầu tư nghĩ kinh tế thế giới khởi sắc sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại các quốc gia có nền kinh tế lớn gia tăng. Biểu hiện rõ nhất là tại Mỹ, CPI tháng 3-2021 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,9 điểm % so với CPI tháng 2-2021 là 1,7%. Trong khi đó, CPI tháng 3-2021 của các nước sử dụng đồng tiền chung euro tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước .
Điều này làm thị trường dấy lên lo ngại lạm phát tại Mỹ, châu Âu sẽ gia tăng, nhất là khi một thành viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nói với kênh truyền hình CNBC, năm 2021 lạm phát tại Mỹ sẽ đạt 2,5% và kinh tế tăng trưởng 6,5%.
Có lẽ thông tin này khiến giới đầu tư suy đoán nhiều đồng tiền mạnh trên thế giới sẽ suy yếu trong thời gian tới, đặc biệt là đồng USD sẽ giảm giá sâu, tác động tích cực đến giá vàng. Từ đó, nhiều người đã trú ẩn vốn vào kim loại quý bất chấp chứng khoán thế giới đang thu hút dòng tiền trên thị trường. Giá vàng vì thế mà đi lên.
Giao dịch trên thị trường cho thấy trong ngày 16-4, giá vàng biến động lình xình trong nhiều giờ liên tiếp. Tuy nhiên, khi Mỹ đưa ra dự báo lạm phát nước này lên tới 2,5%, đồng thời nền kinh tế đứng thứ hai thế giới - Trung Quốc công bố quý 1/2021 tăng trưởng 18,3%; lập tức giới đầu tư vàng tăng sức mua.
Ngay sau đó, giá vàng tăng mạnh 25 USD/ounce, từ 1.760 USD/ounce lao lên 1.785 USD/ounce. Tiếp đến, giá vàng tăng giảm 5-10 USD/ounce. Đến đầu ngày 17-4, giá vàng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.777 USD/ounce.
Trước đó, do từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 16-4 giá vàng thế giới biến động không đáng kể, sức mua yếu nên trong khoảng thời gian này, giá vàng SJC tại Việt Nam giảm 50.000 đồng lượng, chốt cuối ngày tại 55,45 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới hơn 6 triệu đồng/lượng.
Bình luận (0)