Ở thị trường vàng trong nước sáng 8-1, giá vàng SJC tiếp tục đi xuống theo đà giảm sâu của giá thế giới.
Lúc 9 giờ 30, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,15 triệu đồng/lượng, bán ra 56,65 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 250.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC thấp hơn ở TP HCM khoảng 50.000 đồng mỗi lượng.
Chênh lệch giá mua - bán được các doanh nghiệp thu hẹp xuống mức khoảng nửa triệu đồng/lượng trong bối cảnh thị trường chủ yếu sôi động về giá.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 55,25 triệu đồng/lượng mua vào, 55,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm khoảng 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua và thu hẹp khoảng cách với vàng SJC khoảng 800.000 đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, lúc 9 giờ 30 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.911 USD/ounce, tiếp tục giảm thêm khoảng 8 USD/ounce so với hôm qua và mất tới khoảng gần 40 USD mỗi ounce trong 2 ngày qua.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 53,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 3,2 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.121 đồng/USD, tăng 4 đồng mỗi USD so với phiên trước. Dù vậy, giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục ổn định quanh mức 23.010 đồng/USD mua vào, 23.190 đồng/USD bán ra.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 55,25 triệu đồng/lượng mua vào, 55,8 triệu đồng/lượng bán ra
Trước đó, vào rạng sáng 8-1 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.915 USD/ounce, giảm thêm 3 USD/ounce sau khi đã "bốc hơi" 32 USD/ounce trong phiên giao dịch trước .
Theo giới phân tích, hai yếu tố đang đè nặng lên giá vàng là USD tăng giá và sự gia tăng của lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Từ đó, giới đầu tư dịch chuyển một phần dòng tiền vào trái phiếu. Giá vàng không tăng là tất yếu.
"Sự gia tăng của lãi suất trái phiếu đã đẩy giá vàng đi xuống vì vàng cực kỳ nhạy cảm với biến động của lãi suất" - Jeffrey Halley, nhà phân tích của Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ) nhận định.
Mặt khác, Mỹ công bố dữ liệu kinh tế tốt lên. Ông Joe Biden được chính thức công nhận trở thành Tổng thống Mỹ và đảng Dân chủ chiếm đa số tại Quốc hội khiến thị trường kỳ vọng có thêm nhiều gói kích thích tài chính hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 lên 6,4%, cao hơn mức 5,9% dự báo trước vì kỳ vọng quốc gia này có thêm nhiều biện pháp kích thích kinh tế.
Có thể, trước các thông tin này, giới đầu tư tài chính nghĩ kinh tế Mỹ sớm khởi sắc, thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển. Theo đó, họ tập trung vốn vào thị trường chứng khoán giúp giá cổ phiếu tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản tăng dữ dội. Như vậy, dòng tiền chảy vào thị trường vàng có phần hạn chế. Giá vàng vì thế mà đi xuống.
Giao dịch trên thị trường ngày 7-1 cho thấy giá vàng có lúc từ 1.918 USD/ounce vọt lên gần 1.930 USD/ounce. Thế nhưng, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đến hồi ngã ngũ, tình hình chính trị - xã hội Mỹ đi vào ổn định, USD đột ngột tăng giá, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên bất lợi cho giá vàng, giới đầu tư liền mạnh tay bán ra. Ngay sau đó, giá vàng giảm gần 25 USD/ounce rơi xuống vùng 1.905 USD/ounce. Tiếp đến, giá vàng tăng giảm 5-10 USD/ounce. Đến rạng sáng 8-1, giá vàng giao dịch tại 1.915 USD/ounce
Giới kinh doanh dự báo vàng có thể hướng tới mức giá cao hơn so với giá hiện tại. Nhất là khi các quỹ đầu tư ngưng giảm số lượng vàng nắm giữ và bắt đầu mua vào. Bằng chứng là tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm ngày 6 đến rạng sáng 7-1, một số quỹ đầu tư đã mua 1,23 tấn vàng. Riêng quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares không giao dịch.
Bình luận (0)