xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá vàng nhảy múa

Thy Thơ – Tô Hà

Giá vàng trong nước lên tới 44,2 triệu đồng/lượng. Có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2 triệu đồng/lượng

Ngày 8-8, giá vàng thế giới tiếp tục tăng từ 1.663 USD/ounce lên 1.712 USD (lúc 13 giờ). Tại Việt Nam, giá vàng tăng, giảm hết sức hỗn loạn; có thời điểm giá trong nước cao hơn thế giới 2 triệu đồng/lượng, dù sức mua bán vẫn yếu.

Liên tục thay đổi giá

Lúc 8 giờ 20 phút, vàng SJC tại TPHCM đã tăng 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước, bán ra 43 triệu đồng/lượng. Lúc 8 giờ 40 phút, giá vàng vọt lên 43,4  triệu đồng/lượng và đến 9 giờ, lao lên 44,2 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng trong nước giảm một mạch 1,3 triệu đồng/lượng, xuống còn 42,9 triệu đồng/lượng (lúc 10 giờ) nhưng chỉ 20 phút sau lại leo lên 43,2 triệu đồng/lượng và đến 11 giờ, giá cán mức 44 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá  vàng thế giới chỉ giao dịch xoay quanh 1.695 - 1.704 USD/ounce.

img

Chiều 8-8, khi vàng bán ra với giá 44,2  triệu đồng/lượng, nhiều người dân ở Hà Nội vẫn mua vàng. Ảnh: MẠNH DUY

Tỉ giá USD trong các ngân hàng thương mại lúc 9 giờ ngày 8-8 tăng so với hôm trước 130 đồng/USD, bán ra 20.750 đồng/USD, đến 14 giờ tăng thêm 50 đồng/USD, bán ra 20.800 đồng/USD. Với tỉ giá này, giá vàng quốc tế quy đổi vào thời điểm 11 giờ là 42,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 1,3 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong 3 giờ, giá vàng thế giới tăng không nhiều, trong nước, sức mua không cao nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng 1,2 triệu đồng/lượng, rồi giảm 1,3 triệu đồng/lượng, sau đó tăng lại 1,1 triệu đồng/lượng. 

Mưa ngập đường vẫn xếp hàng mua bán vàng

Thị trường vàng Hà Nội ngày 8-8 đã chứng kiến sự biến động lớn nhất về giá, kể từ đầu năm đến nay. Đầu giờ sáng, giá bán ra của các cửa hàng lớn vẫn giữ mốc 42 triệu đồng/lượng nhưng sau đó liên tục tăng và đến trưa cùng ngày, giá bán ra của các cửa hàng đã tăng lên mức cao nhất: hơn 44,22 triệu đồng/lượng. Bất chấp trời mưa to ngập đường, nhiều người vẫn xếp hàng chờ mua bán vàng. Ghi nhận tại nhiều cửa hàng lớn cho thấy tỉ lệ người mua vẫn áp đảo người bán, do nhiều người còn lo ngại giá vàng tiếp tục tăng.

Giá vàng biến động mạnh nhất vào thời điểm 9 giờ 30 phút, hầu như không cửa hàng nào kịp niêm yết giá trên bảng điện tử hoặc có thời gian giao dịch qua điện thoại. Thay vào đó, các nhân viên tranh thủ báo giá qua điện thoại di động với người quen, cập nhật tình hình và tư vấn bán, mua. Người dân chen nhau đến mua được hẹn giao tiền nhận vàng từ 15 giờ cùng ngày. Chỉ ít phút sau đó, những người đến mua sau bị kéo dài lịch nhận vàng vào sáng hôm sau. Trong lúc chưa được nhận vàng, các cửa hàng đều chấp nhận mua đi bán lại vàng bằng giấy hẹn nếu nhà đầu tư có nhu cầu bán ngay chốt lãi.

Giá bán ra vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý TPHCM tại Hà Nội đầu giờ sáng là 42,6 triệu đồng/lượng, sau đó tăng nhanh lên 44,22 triệu đồng/lượng vào lúc hơn 9 giờ rồi giảm còn 43,2 triệu đồng/lượng.

Mua bán khống đẩy giá tăng cao

Sáng 8-8, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, nhà đầu tư đã bán vàng khống vào nhiều ngày trước (nhằm chờ giá xuống mua lại hưởng chênh lệch nhưng chẳng may giá vàng diễn biến trái dự đoán) buộc họ phải mua lại vàng để cắt lỗ bằng mọi giá. Cứ thế, tạo ra sức mua lên cao điểm, đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và có thời điểm cao hơn giá thế giới 2 triệu đồng/lượng.
Phương thức giao dịch trên đang làm thị trường vàng Việt Nam trở nên phức tạp, hệ quả là người dân có nhu cầu thực phải mua vàng với giá cao hơn thế giới, tạo điều kiện cho các đối tượng nhập lậu vàng hoạt động, thu gom ngoại tệ đẩy tỉ giá đi lên, ảnh hưởng không tốt đến kinh tế vĩ mô.

Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng Ngân hàng Á Châu, cho biết nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao do thị trường lệch pha, phía cầu mua  nhiều, người mua cắt lỗ do trước đó bán thấp, nay mua vào để chờ giá lên, còn người đang có vàng không bán ra. Khi giá thị trường trong nước  cao hơn thế giới khoảng 1 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước nên cho nhập khẩu vàng hoặc bán vàng ra để can thiệp. Tư duy phải thay đổi, nhập khẩu hay xuất khẩu vàng không phải được hay mất ngoại tệ mà là chuyển hóa về hình thái giữa trạng thái vàng thành ngoại tệ và ngược lại. Nếu còn lấn cấn về ngoại tệ, thị trường không thể liên thông và không thể bình ổn giá.

Vàng sẽ lên 1.725 USD/ounce

Theo giới phân tích, việc Tổ chức Standard & Poor’s hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Mỹ đã làm giới đầu tư tăng sức mua làm giá vàng thế giới tăng thêm 51 USD/ounce. Bàn về xu hướng của thị trường vàng, Edel Tully, chuyên gia phân tích của UBS Agc, dự báo trong tháng 8-2011, vàng sẽ lên 1.725 USD/ounce vì sau khi Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ ngày càng tăng.

T.Thơ - H.Bình

Sẵn sàng cho phép nhập khẩu vàng

Chiều 8-8, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trong ngày 8-8, giá vàng trong nước tăng đột biến và có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới quy đổi, chủ yếu do diễn biến tăng mạnh của giá vàng thế giới. Ngoài ra, lợi dụng tình hình này, giới đầu cơ trên thị trường vàng trong nước cũng tiến hành làm giá để trục lợi, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân mặc dù lượng vàng nắm giữ trong dân vẫn ở mức cao.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình và sẵn sàng cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường. Với mức tỉ giá ổn định trong thời gian tới, người dân đang được hưởng lợi từ việc nắm giữ VNĐ so với giữ USD và vàng. Việc người dân mua vàng trong thời gian này chứa đựng nhiều rủi ro.

Ch.Thy

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo