Lúc 9 giờ 30, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào 45,6 triệu đồng/lượng, bán ra 46,5 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa hôm qua. Chênh lệch giá mua – bán tiếp tục neo ở mức cao khoảng 900.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC mua vào 45,7 triệu đồng/lượng, bán ra 46,3 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với cuối phiên trước. Lúc mở cửa giao dịch, giá vàng SJC còn được đẩy lên 46,8 triệu đồng/lượng (chiều bán ra) trước khi quay đầu đi xuống.
Giá vàng nhẫn trơn, trang sức 24K các loại được giao dịch ở mức 44,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 45,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước hồi phục tăng theo đà đi lên của giá thế giới. Trên thị trường quốc tế, sau khi rớt xuống mức thấp quanh vùng 1.480 USD/ounce, giá vàng đã hồi phục mạnh mẽ trở lại và vượt xa ngưỡng 1.500 USD/ounce.
Giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới
Lúc 9 giờ 30, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại lên mức 1.536 USD/ounce, tăng tới hơn 50 USD mỗi ounce so với phiên trước, tương đương mức tăng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 43,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn, vàng trang sức 24K trên 2 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC trên 3 triệu đồng mỗi lượng.
Dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức rất cao trong nhiều năm qua nhưng theo các doanh nghiệp, thị trường vàng trong nước vẫn khá ổn định, không có sự đột biến về cung cầu. Vì sao lại có mức chênh lệch lớn này? Theo một số doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, từ nhiều năm nay, giá vàng miếng SJC biến động giá thế giới nhưng thực chất không có sự liên thông. Các doanh nghiệp niêm yết giá dựa trên cung cầu của thị trường trong nước.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết hiện lượng vàng SJC gửi tại các ngân hàng rất ít so với những năm trước. "Nếu trước đây, chênh lệch giá vàng SJC với thế giới vài triệu đồng/lượng có thể kích thích tình trạng gom USD để nhập vàng thì vài năm nay không còn vì cơ quan quản lý độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng SJC. Do đó, không có tình trạng chuyển vàng nguyên liệu thành vàng SJC và dù chênh lệch giá lớn nhưng không ảnh hưởng đến thị trường" - đại diện ngân hàng này giải thích.
Trong khi đó, liên quan đến giá USD tự do tăng mạnh những ngày qua, đại diện một đơn vị kinh doanh vàng cho rằng có thể một phần liên quan đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Dù vậy, tác động này đến áp lực tỉ giá không lớn.
*Sáng 18-3, một số điểm thu đổi ngoại tệ ở TP HCM báo giá USD mua vào 23.400 đồng/USD, bán ra 23.550 đồng/USD, giảm khoảng 100 đồng/USD so với hôm qua nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều ngày trước.
Tỉ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.232 đồng/USD, chỉ tăng 5 đồng/USD so với hôm qua.
Hiện giá USD ở các ngân hàng thương mại đang được giao dịch phổ biến quanh mức 23.150 đồng/USD mua vào, 23.320 đồng/USD bán ra, tăng thêm 10 đồng mỗi USD so với hôm qua.
"Thực tế cung cầu ngoại tệ trong các ngân hàng thương mại vẫn bình thường. Kim ngạch thương mại cả nước 2 tháng đầu năm vẫn xuất siêu" – lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại TP HCM dẫn chứng.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, khẳng định Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt diễn biến thị trường tài chính toàn cầu (lãi suất, tỉ giá, giá dầu…); qua đó cập nhật, phân tích, dự báo để sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ tại thời điểm và với liều lượng hợp lý.
"Với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, Ngân hàng Nhà nước hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỉ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt" - ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Bình luận (0)