Đến khoảng 16 giờ chiều nay (27-7), giá vàng miếng SJC tại TP HCM được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 55,45 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 56,69 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng thêm 400.000 đồng mỗi lượng so với buổi sáng và tăng tới gần 2 triệu đồng/lượng so với cuối tuần.
Một số doanh nghiệp khác như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Doji, Mi Hồng... niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức thấp hơn, dao động từ 56,5 - 56,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi đó, vàng nhẫn, trang sức 24K các loại được doanh nghiệp bán ra phổ biến từ 53,8 - 54,6 triệu đồng mỗi lượng.
Cùng thời điểm này, giá vàng quốc tế ở mức 1.941 USD/ounce, tăng thêm 3 USD so với buổi sáng và tăng gần 40 USD/ounce so với giá đóng cửa cuối tuần trước. Hiện giá vàng thế giới đã vượt xa mức kỷ lục được lập hồi năm 2011.
Trong khi giá vàng tăng vũ bão thì giới đầu tư đua nhau bán chứng khoán do lo ngại dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi và đang có nhiều diễn biến phức tạp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn TP Đà Nẵng với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19 ngày 24-4-2020 về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mức độ cao, thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 28-7.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết 12 ca nghi nhiễm ở địa phương do Bộ Y tế báo cáo mới chỉ là nghi chứ chưa có kết quả chính xác nhưng đang có tình trạng lây nhiễm cho đội ngũ y bác sĩ.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư lo ngại đã đua nhau bán cổ phiếu để bảo toàn nguồn vốn. Kết quả, thị trường đồng loạt giảm điểm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3 đến nay. Chỉ số VN-Index có thời điểm mất hơn 48 điểm; đến cuối phiên đóng cửa giảm 43,99 điểm (tương ứng 5,32%), xuống còn 785,17 điểm. Có đến 377 điểm trên sàn HoSE giảm giá, chỉ 33 mã tăng, 20 mã giảm.
Trong khi đó, tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 6,49 điểm (tương ứng 6,84 %), xuống còn 102,85 điểm. Toàn sàn có đến 163 mã giảm, 174 mã đứng giá (chủ yếu không có giao dịch) và chỉ 21 mã tăng.
Nhiều mã chứng khoán giảm sàn vì nhà đầu tư bán tháo
Những mã chứng khoán có liên quan đến các ngành du lịch, dịch vụ, hàng không đều giảm mạnh…
Trong nhóm VN30, có đến 16 cổ phiếu giảm sàn với BVH, PNJ, PLX, VNM, CTG, BID, HDB, TCB… Các mã khác như VHM giảm 6,7% xuống 70.900 đồng/cp, GAS giảm 6,3%, VCB giảm 4,9%, SAB giảm 4,5%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, thực phẩm, dệt may… đều có diễn biến tương tự với DBC, DPG, DXG, FCN, FRT, HCM, HSG, HVN, MSH, VCI… trắng bên mua.
Thanh khoản toàn thị trường đạt 8.200 tỉ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm hơn 7.100 tỉ đồng, giảm 10% so với phiên trước. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên cả 3 sàn, tập trung vào các cổ phiếu như VCB, HPG, VIC, VRE, SSI, GAS…
Một chuyên gia chứng khoán theo dõi sát thị trường nhận định chưa rõ thực tế những phiên tiếp theo của thị trường như thế nào. Thị trường đang phụ thuộc chủ yếu vào các thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Tuy nhiên, thanh khoản cao cho thấy vẫn có nhiều nhà đầu tư mạnh mua vào những cổ phiếu tốt đang bị bán mạnh.
Ngoài ra, lần này, khối ngoại mua ròng chứ không bán ròng như hồi tháng 3 vừa qua. Điều này cho thấy thị trường rớt mạnh lần này chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư nội bị đè nặng vì thông tin dịch bệnh. "Trong những phiên tới, có thể sẽ có vài phiên hồi phục kỹ thuật do vẫn có nhiều nhà đầu tư lạc quan, đồng thời có nhiều mã rơi về vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, xu hướng chính vẫn phụ thuộc vào dịch Covid- 19 có lan rộng hay không"- vị chuyên gia này nhận định.
Bình luận (0)