Giá xăng bán lẻ RON 92 vừa tăng kỷ lục gần 2.000 đồng một lít, tương đương 10-11%. Đại diện Bộ Tài chính cho biết quyết định được Liên bộ Công Thương - Tài chính đưa ra sau nhiều lần "nhấc lên hạ xuống" và báo cáo Chính phủ và lẽ ra giá xăng bán lẻ phải tăng hơn 3.300 đồng vì giá thế giới tăng quá cao.
Trong chu kỳ điều hành 15 ngày (từ ngày 20/4 đến 4/5), giá xăng RON 92 bình quân là 77,67 USD một thùng (tăng gần 10 USD, tương đương hơn 14%) so với bình quân 15 ngày trước đó.
"Để chia sẻ với người tiêu dùng, liên bộ cho phép tăng sử dụng quỹ bình ổn thêm 446 đồng mỗi lít. Nếu không dùng quỹ bình ổn, giá xăng có thể phải tăng 3.300 đồng" - vị đại diện Bộ Tài chính giải thích.
Đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này diễn ra trong bối cảnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vừa được tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít, đúng bằng mức tăng giá xăng dầu khiến nhiều người một lần nữa cho rằng giá bán lẻ tăng vì đợt điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính vẫn khẳng định giá xăng tăng hôm 5/5 là do giá thế giới. "Thuế nhập khẩu xăng giảm từ 35% xuống còn 20%, mức giảm 15% này tương tứng trong cơ cấu giá cơ sở tại thời điểm tính toán là 2.000 đồng - bằng mức tăng thuế bảo vệ môi trường nên không thể nói đây là nguyên nhân khiến giá bán lẻ xăng dầu đội thêm", lãnh đạo của Bộ Tài chính phân tích.
Với mặt hàng dầu - ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, cơ quan điều hành quyết định không điều chỉnh tăng giá bán mà sử dụng triệt để công cụ giảm thuế nhập khẩu dầu diesel từ 20% xuống 13% và tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn từ 188 đồng lên 322 đồng để giữ giá bán mặt hàng này.
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu vừa qua còn góp phần giảm bớt tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá trong nước thấp hơn các nước láng giềng.
Bình luận (0)