xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải bài toán đầu ra cho nông sản

Nhóm phóng viên

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã triển khai giải pháp liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản với TP HCM nhưng mối liên kết này không mang tính bền vững mà rất dễ đứt gãy ở từng khâu

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài khiến bức tranh sản xuất - tiêu thụ nông sản càng lúc càng ảm đạm. Đường đi của nông sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu đều bị ách tắc nghiêm trọng.

Điêu đứng, bị động

Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, ngành tôm tại 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu rơi vào tình thế điêu đứng: vật tư đầu vào như thuốc, thức ăn thủy sản không thể đến được vùng nuôi; thương lái không thể đến ao để thu hoạch số tôm đã đến lứa. Nhiều hộ nuôi tôm buộc lòng phải thu hoạch sớm và bán lẻ khiến lợi nhuận bằng 0, thậm chí lỗ vốn. Ông Trần Thanh Dân, ở xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cho biết ngày 30-8, các ao tôm siêu thâm canh của ông có hiện tượng bất thường nên ông buộc phải bán gấp. Thương lái ra giá 90.000 đồng/kg loại 40 con/kg nhưng cuối cùng từ chối mua vì không tìm được đội kéo tôm đến thu hoạch. "Tôi phải huy động người hỗ trợ thu hoạch, sau đó phải xin giấy tờ vận chuyển ra đầu lộ, đưa lên xe tải luồng xanh mới được chở đi bán. Do kéo tôm không chuyên nghiệp cộng với việc vận chuyển lên xuống từ vựa lên xe tới hai ba lượt khiến con tôm bầm dập, giá chỉ còn 38.000 đồng/kg. 3 tấn tôm thẻ chân trắng chỉ bán được hơn 100 triệu đồng, tôi mất 150 triệu đồng" - ông Dân tiếc nuối.

Tại tỉnh An Giang, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT)tỉnh, cho biết hiện giá lúa đã tăng nhẹ, ở mức tương đương cùng kỳ nhờ một số thương lái và doanh nghiệp (DN) chủ động thu mua lúa trong dân. Tuy nhiên, phần lớn các thương lái, đơn vị thu mua lẫn các kho chứa nằm ngoài tỉnh nên việc di chuyển mất rất nhiều thời gian. Một thực tế khác là hiện các DN không chủ động được thời gian vận chuyển do không thuê được container hoặc không chỗ trên tàu, các chi phí khác cũng gia tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của DN.

Nông sản miền Tây phần lớn cung cấp cho thị trường TP HCM thông qua chợ đầu mối Bình Điền (quận 8); khi chợ này đóng cửa đã gây khó khăn cho chuỗi cung ứng hàng hóa. Cũng cần nói thêm, trong mấy tháng qua, hệ thống phân phối truyền thống tại TP HCM gần như tê liệt, làm thu hẹp đầu ra của nông sản, thủy sản ĐBSCL. Các DN phân phối hiện đại dù đã nỗ lực tăng sản lượng thu mua, phân phối nông sản (chủ yếu là rau củ quả) lên gấp 4-5 lần bình thường nhưng với quy mô chưa đến 30% tổng thị phần TP HCM, mức tăng đó vẫn không đủ bù đắp sức mua của toàn thị trường. "Ảnh hưởng nặng nề nhất là mặt hàng thủy sản. Do giãn cách xã hội, người dân từ việc bị giới hạn thời gian để mua sắm thực phẩm đến không được trực tiếp đi mua mà nhờ lực lượng "đi chợ hộ", khá bất tiện nên trong danh mục mua hàng thường ưu tiên rau, thịt heo, gà… mà ít chọn cá tươi. Các hệ thống bán lẻ do bị cắt giảm nhân sự làm việc tại các điểm bán, tổ chức bán hàng theo combo nên cũng giảm nhập hàng tôm, cá tươi" - đại diện 1 hệ thống siêu thị giải thích.

Tại tọa đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" do Báo Người Lao Động tổ chức hồi đầu tháng 9, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, đã phản ánh thực trạng rau củ đầy ruộng, tôm, cá đầy ao không tiêu thụ được vì những ách tắc trong sản xuất, lưu thông trong dịch. Nhiều DN lương thực thực phẩm bị giảm năng suất trầm trọng phần vì thực hiện "3 tại chỗ", phần vì khâu nhập khẩu, sơ chế nguyên liệu mất nhiều thời gian, công lao động. "Trước đây, DN chỉ cần đặt hàng với các nhà cung cấp thì nông sản sẽ được tuyển chọn, sơ chế theo yêu cầu và chở đến tận nhà máy. Hiện tại thì phải qua sự hỗ trợ, kết nối của Bộ NN-PTNT, chính quyền địa phương mới mua và chuyển được nguyên liệu thô về nhà máy; công nhân phải trực tiếp phân loại, sơ chế… rất bất tiện và hao hụt nhiều" - bà Chi nêu và nói thêm, năng suất sản xuất càng thấp thì DN càng giảm mua nông thủy sản nguyên liệu, nông sản đã ế càng ế hơn.

Giải bài toán đầu ra cho nông sản - Ảnh 1.

Sản xuất, chế biến cá tra tại một nhà máy ở ĐBSCL. Ảnh: HOÀNG VŨ

Cần đầu mối liên kết tiêu thụ

Để giải quyết đầu ra cho nông sản ĐBSCL, các tỉnh, thành cùng TP HCM đã tích cực liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, do nhiều tỉnh, thành phía Nam cùng thực hiện giãn cách xã hội nên kết quả thu về còn hạn chế. TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng DN đóng vai trò quan trọng trong liên kết tiêu thụ nông sản giữa ĐBSCL và TP HCM. Trong thời gian dịch bệnh, hệ thống giao thông khó khăn nên cung ứng của DN bị chậm lại. Chính vì vậy, chính quyền cần tạo khung hành chính như: giao thông thuận lợi, các giải pháp về thuế… cho DN thuận lợi vận hành.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng trước nay đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề liên kết ĐBSCL gắn với tiêu thụ nông, thủy sản nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do chưa có đơn vị nào đứng ra làm đầu mối liên kết để lo cho đầu ra sản phẩm được thông suốt từ khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến đến xuất khẩu. Gần đây, Bộ NN-PTNT thành lập tổ công tác đặc biệt, đáp ứng được phần nào việc tháo gỡ khó khăn cho các DN trong khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản.

Cũng theo GS-TS Võ Tòng Xuân, các bộ ngành liên quan nên có hệ thống phần mềm cập nhật liên tục những thông tin tình hình sản xuất ở các vùng, địa phương cũng như nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Mặt khác, các DN lớn phải chủ động tìm kiếm thị trường hoặc ký hợp đồng cung ứng sản phẩm đối với các đối tác nước ngoài. Chính quyền địa phương cũng nên hỗ trợ các DN bằng cách tập hợp các HTX cung ứng các sản phẩm đã có hoặc liên kết với DN để tạo vùng nguyên liệu đủ lớn phục vụ cho chế biến xuất khẩu. "Bộ NN-PTNT nên lấy tiền đề tổ công tác đặc biệt đã làm để thành lập cơ quan đứng ra làm trung gian liên kết từ khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến cho đến tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Mối liên kết này không chỉ riêng cho vùng ĐBSCL với TP HCM mà còn cho cả nước" - GS-TS Võ Tòng Xuân gợi ý. 

Giải pháp tích cực từ địa phương

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các DN, HTX, hội quán, hộ nông dân kết nối, liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho biết sở này đã xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản, rà soát lượng hàng hóa tồn đọng... Trên cơ sở đó, chủ động kết nối DN, cơ sở sản xuất, hộ nông dân của tỉnh với các DN phân phối, đối tác thương mại trong và ngoài nước, từ đó hỗ trợ tiêu thụ một số nông sản tỉnh nhanh chóng, giúp nông dân giảm thiệt hại do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tỉnh An Giang cũng đã chủ động phối hợp với tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ tìm giải pháp tiêu thụ nông sản, nhất là lúa, nếp và đã có những tín hiệu khả quan. Tỉnh cũng đã mời gọi một số DN như Lộc Trời, Tân Long, Tấn Vương... tăng cường thu mua lúa, nếp cho nông dân. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sản xuất và tiêu thụ của tỉnh sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới. An Giang kiến nghị Chính phủ xem xét, phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 cho địa phương để bảo đảm 100% các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao trong chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản như thương lái, công nhân giết mổ gia súc, lực lượng công nhân thu hoạch và vận chuyển nông sản được tiêm phòng sớm nhất. Đồng thời, có giải pháp bình ổn giá cho một số lĩnh vực trong điều kiện dịch bệnh như giá cước vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp... giúp nông dân yên tâm sản xuất và có điều kiện tái đầu tư. Cần có những hướng dẫn cụ thể, không để xảy ra tình trạng mỗi nơi đặt ra các yêu cầu riêng làm khó cho lưu thông.

Tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM"

Hôm nay, ngày 14-9, Báo Người Lao Động phối hợp cùng UBND TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM". Tọa đàm nhằm nhận diện rõ hơn tình hình tiêu thụ nông thủy sản của các tỉnh - thành phía Nam giữa lúc đại dịch Covid-19 còn phức tạp hiện nay, đồng thời đề ra những giải pháp khả thi để khai thông phân phối hàng hóa, kết nối chặt chẽ thị trường các tỉnh, thành với địa bàn tiêu thụ lớn TP HCM.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo TP HCM, TP Cần Thơ và các tỉnh phía Nam cùng nhiều hiệp hội ngành nghề, hệ thống phân phối bán lẻ, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.

Nội dung tọa đàm sẽ được tường thuật trên Báo Người Lao Động điện tử: http://www.nld.com.vn.

T.Nhân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo