Việc phát triển nhà ở nếu chỉ dừng ở bước quy hoạch mà chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật sẽ dẫn đến quá tải về hạ tầng giao thông, không hình thành được khu đô thị như mong muốn. Đó là ý kiến được đưa ra tại hội thảo "Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở" do Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 6-1 ở TP HCM.
Mô hình tiên phong
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch chung Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, cho biết TP đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2060, TP HCM sẽ là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn; là trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế, trung tâm dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương; nơi có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Riêng TP Thủ Đức sẽ được quy hoạch thành khu đô thị sáng tạo bởi đây là địa điểm có nhiều chức năng, cơ sở hạ tầng thuận lợi. Khu vực đã và đang phát triển các cụm chức năng giáo dục nghiên cứu, văn hóa thể thao, công nghệ cao và tài chính. TP Thủ Đức cũng đang hình thành hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối thuận tiện với các tỉnh trong vùng như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các đại biểu xem sa bàn quy hoạch phát triển TP Thủ Đức Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong các chỉ tiêu phát triển, TP Thủ Đức sẽ áp dụng các giải pháp phát triển đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống cho người dân đô thị. Trong đó có vấn đề nhà ở. TP Thủ Đức cũng được xem là mô hình tiên phong của một đô thị hiện đại của TP HCM.
Theo ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP HCM, TP Thủ Đức được thành lập từ quận 2, 9, Thủ Đức, vốn thuộc phạm vi 12 quận nội thành đã được định hướng phát triển. Do vậy, vẫn phải bảo đảm bài toán phát triển nhà ở trong thời gian tới.
Phạm Đăng Hồ cho biết lõi của TP Thủ Đức sẽ là các trung tâm động lực chính gồm: Khu Công nghệ cao, ĐHQG và khu đô thị Thủ Thiêm. Theo đó, Thủ Thiêm sẽ phát triển các loại hình nhà ở cao tầng; Khu Công nghệ cao sẽ phát triển các loại hình nhà ở cho chuyên gia, cho công nhân với chất lượng cao, những khu nhà ở có thể nghỉ dưỡng, sinh thái hoặc đô thị thông minh. Còn khu vực lõi xung quanh ĐHQG là nhà ở cho sinh viên, giáo viên, công chức và những khu đại học sẽ phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, trung tâm của TP Thủ Đức là phường Trường Thọ cũng sẽ được quy hoạch lại trên sơ sở sắp xếp các quỹ đất trống, như khu vực Xi-măng Hà Tiên, cảng Trường Thọ… để phát triển thành những trung tâm mới của TP Thủ Đức.
Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Đăng Hồ cho biết Sở Xây dựng đã chuẩn bị và trình UBND TP thông qua đề án Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2021-2030 phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung TP. Mục tiêu của đề án là TP sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hơn 11 triệu người và diện tích nhà ở bình quân đầu người là 26,5 m2.
Để thực hiện mục tiêu này, trong 5 năm tới, thành phố sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH). Trong đó, ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước. TP cũng rà soát, sử dụng phần diện tích 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để triển khai đầu tư xây dựng NƠXH. Hiện nay, Sở Xây dựng TP đang theo dõi 65 dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, tổng diện tích đất hơn 197 ha, quy mô khoảng 146.500 căn hộ NƠXH đang thực hiện.
Theo ông Phạm Đăng Hồ, thời gian tới, khi TP HCM hoạch định được quy hoạch đô thị sẽ xác định được những khu vực ưu tiên hàng đầu để xây dựng NƠXH, trong đó có cả TP Thủ Đức. "Tỉ lệ này chúng tôi đang tính toán để nâng lên, dự kiến phát triển khoảng 25.000 căn NƠXH giai đoạn 2021 - 2025" - ông Phạm Đăng Hồ thông tin.
Cũng theo vị đại diện Sở Xây dựng TP, rút kinh nghiệm về bài học phát triển nhà ở của các giai đoạn trước, việc phát triển nhà ở cần phải dựa trên việc đầu tư hạ tầng đồng bộ. Tránh trường hợp hạ tầng chưa có, khi nhà ở mọc lên sẽ gây quá tải lên hạ tầng hiện hữu, gây kẹt xe, ngập nước như các giai đoạn trước.
Bình luận (0)