Dự định sản xuất 500.000 TEU/năm tại 2 khu vực động lực phát triển và gần cảng biển là TP Hải Phòng và vùng Đông Nam Bộ, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (gọi tắt là Hòa Phát) cho hay kế hoạch này hình thành dựa trên những nghiên cứu, đánh giá suốt thời gian dài vừa qua về nhu cầu container.
Trong đó, nhà máy đầu tiên sẽ được ưu tiên làm tại phía Nam bởi 70% nhu cầu container đến từ khu vực này. "Hòa Phát đang tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm để có thể bắt tay ngay vào xây dựng nhà máy. Dự kiến đầu quý II/2022, Hòa Phát có thể cung cấp ra thị trường container rỗng mang thương hiệu của mình. Công suất nhà máy lớn nên giá thành sẽ rất cạnh tranh" - đại diện Hòa Phát thông tin.
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái (TP HCM) những ngày đầu năm Tân Sửu .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hòa Phát cũng cho biết nguyên liệu sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết, thuộc dự án Dung Quất 2 của doanh nghiệp (DN) này. Với sản lượng sản xuất container dự kiến nêu trên, sẽ có khoảng 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC được tiêu thụ mỗi năm, không chỉ là đầu ra rất tốt cho DN mà còn có ý nghĩa là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát. Đặc biệt, giá thép đặc chủng làm container rất đắt, trong khi Hòa Phát có thể sản xuất được loại thép này là một điểm cộng cho sự thành công.
Ông Kiều Công Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh (chuyên sản xuất sơ-mi rơ-moóc cung cấp cho thị trường trong nước), nhìn nhận việc Hòa Phát quyết định sản xuất container là động thái tích cực trong bối cảnh nguồn cung container hiện khá căng thẳng. "Hiện Trung Quốc là thị trường sản xuất container lớn nhất thế giới, chiếm đến 85%-90% nhu cầu. Trung Quốc có khoảng 6 nhà máy sản xuất container và đều kín đơn hàng cho cả năm. Với khả năng của mình, Hòa Phát đủ sức cạnh tranh với nguồn cung cấp container từ Trung Quốc" - ông Thanh đánh giá.
Cũng theo ông Thanh, sản xuất container đòi hỏi phải sử dụng nguồn thép đặc biệt, dây chuyền sản xuất hiện đại với vốn đầu tư lớn. Do đó, chỉ những DN đủ năng lực mới dám đầu tư. Tuy nhiên, đã đầu tư được thì dễ "thắng" bởi nhu cầu container trên thế giới lúc nào cũng có do mỗi container chỉ có thể sử dụng trong vài năm là phải thải loại. "Nếu sản xuất được container trong nước sẽ giúp giảm được chi phí cho DN xuất nhập khẩu" - ông Thanh hy vọng.
Ông Đinh Quốc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty XNK Hoàng Khánh (TP HCM), cho biết không nhiều DN trong nước tham gia sản xuất hoặc cung ứng container. Đa phần container rỗng phục vụ xuất khẩu thuộc quản lý của các hãng tàu quốc tế và DN nước ngoài. Hiện nay, các DN trong nước đã thấy được tiềm năng của thị trường logistics, trong đó có thị trường container, nhất là khi các hiệp định thương mại quan trọng đi vào thực thi, Việt Nam sẽ tăng trưởng xuất khẩu và trở thành điểm đến của các tập đoàn lớn.
"Tình trạng thiếu container gần đây đã đẩy giá thuê container lên rất cao. Do vậy, việc DN Việt Nam tham gia sản xuất container là tín hiệu tốt, góp phần hoàn thiện, ổn định cho hoạt động logistics trong nước" - ông Hưng nhận xét và kiến nghị nhà nước tiếp tục khuyến khích phát triển logistics cho xứng tầm với tiềm năng hiện có.
Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam phản ánh tình trạng thiếu container đã ảnh hưởng đến thời gian giao hàng cho các đối tác. Do vậy, nếu có thể tăng nguồn cung container tại chỗ thì có thể giải nhiều bài toán liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN trong bối cảnh xuất khẩu có khả năng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Sản phẩm kén người làm
Một chuyên gia về logistics cho biết sản xuất container là lĩnh vực rất kén người làm. Do vậy, hầu như không có DN nào chỉ đơn thuần sản xuất container mà đa phần coi sản xuất - kinh doanh mặt hàng này là một giá trị tăng thêm cho các hoạt động khác. Ví dụ, các hãng tàu với đặc thù kiếm lợi bằng cách vận chuyển cho khách hàng thì có thể sở hữu container để cho khách thuê quay vòng nhiều lần. Hoặc với trường hợp của Hòa Phát, tận dụng sản phẩm thép tự sản xuất được, việc sản xuất container sẽ có lợi thế hơn so với phải đi mua nguyên liệu đắt đỏ. Ngoài ra, sản xuất container chỉ hiệu quả khi có đơn hàng đủ lớn, tiêu thụ đều đặn. "Do vậy, chỉ những DN lớn mới bước chân vào thị trường sản xuất - kinh doanh vỏ container được. Hiện Việt Nam chỉ có DN quy mô nhỏ tham gia sửa chữa container và dừng lại ở sản xuất rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc. Tuy nhiên, nếu có cơ chế tốt thì hoàn toàn có thể có nhiều DN Việt Nam tham gia thị trường hơn nữa" - chuyên gia này bình luận.
Bình luận (0)