Khoảng gần 1 tháng gần đây, cam sành dội chợ tại TP HCM và nhiều địa phương phía Nam. Bởi đây là thời điểm thu hoạch rộ ở nhiều vùng trồng trong khi sức mua đầu năm còn thấp khiến loại trái cây này rớt giá chưa từng thấy. Nhiều tổ chức, cá nhân khắp nơi đang phải tổ chức chương trình hỗ trợ tiêu thụ cam sành để giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.
Từ chuyện quả cam
Đáng nói là cam sành từ trước đến nay chủ yếu bán tươi trong thị trường nội địa để vắt nước uống chứ chưa được thu mua chế biến với số lượng lớn. Đây cũng là tình trạng chung với nhiều loại nông sản khác của Việt Nam vì chủ yếu được tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu dưới dạng tươi, thô, nếu có chỉ là sơ chế. Còn những sản phẩm chế biến sâu gắn với thương hiệu doanh nghiệp (DN) Việt chưa có nhiều.
Chế biến thạch dừa - một mặt hàng rau quả chế biến chủ lực của Việt Nam xuất khẩu
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê Meet More, TP HCM) - chuyên xuất khẩu các mặt hàng chế biến sâu từ cà phê và trái cây, cho biết ông đang nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ cam như: nước cam phối với nước dừa uống liền, mứt cam và tinh dầu cam.
"Đây đều là những sản phẩm rất tốt và có tiềm năng về thị trường. Tuy nhiên, để ra được sản phẩm cần thời gian dài nên hiện chưa thể thu mua cam ngay lúc này" - ông chủ thương hiệu Meet More nhìn nhận.
Theo ông Luận, cơ duyên đưa ông đến với ngành chế biến nông sản từ những đợt dẫn các đoàn khách là chủ các DN nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm nguyên liệu nhiều năm trước. Khi đó, cũng có các đợt giải cứu nông sản nên ông Luận nhìn ra Việt Nam lãng phí rất nhiều cơ hội kinh doanh.
"Nhìn sang Hàn Quốc, với mặt hàng gạo, họ chế biến được sản phẩm nước gạo nổi tiếng, xuất khẩu sang hơn 20 nước, mang lại giá trị kinh tế lớn, còn Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu gạo, giá trị thấp nhưng dễ làm hơn" - ông Luận dẫn chứng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, ngành cá tra đạt kỷ lục xuất khẩu với giá trị 2,4 tỉ USD nhưng chủ yếu vẫn là sản phẩm ở dạng nguyên liệu (phi-lê đông lạnh; cá tra nguyên con các dạng đông lạnh, tươi, khô; cá tra cắt khúc) chiếm đến 98%, sản phẩm giá trị gia tăng chỉ chiếm 2%.
Một số DN cá tra cho biết sản xuất hàng chế biến đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận của mảng này tốt, khách hàng trung thành nên trong tương lai các DN sẽ phải đầu tư do kinh doanh hàng nguyên liệu cạnh tranh về giá rất gay gắt.
Tăng chưa bền vững
Theo báo cáo của Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương, năm 2022, cơ cấu chủng loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực khi tỉ trọng sản phẩm chế biến tăng. Theo đó, trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu năm 2022, tỉ trọng các sản phẩm chế biến chiếm 29,47%, tăng 3,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Cụ thể, giá trị rau quả chế biến xuất khẩu năm qua đạt 1,014 tỉ USD, tăng 9,8% so với năm 2021, trong khi giá trị xuất khẩu toàn ngành rau quả giảm 5%.
Các loại rau quả chế biến nhiều nhất là chanh leo, dừa, dứa, hạt dẻ cười… "Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỉ USD vào năm 2025. Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản lâu. Do đó, các DN ngành rau quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới" - Cục Xuất Nhập khẩu khuyến nghị.
Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận xét sự tăng trưởng của rau quả chế biến xuất khẩu năm qua chủ yếu do tác động khách quan.
"Những năm trước, tỉ lệ rau quả chế biến xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%, nay tăng lên gần 30% là việc đáng mừng nhưng chưa mang yếu tố bền vững. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến xuất khẩu hàng tươi giảm, giá nguyên liệu giảm, tạo điều kiện cho các nhà máy thu mua, chế biến xuất khẩu. Khi xuất khẩu hàng tươi thuận lợi trở lại thì mảng chế biến sẽ giảm" - ông Nguyên phân tích.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, trước đây, các nhà máy chế biến thừa đến khoảng 50% công suất do không có đủ nguyên liệu phù hợp về chất lượng, giá cả. Do đó, để mảng chế biến rau quả phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho nông sản cần chiến lược về vùng nguyên liệu gắn với chế biến.
"Cần có những vùng trồng lớn được tổ chức sản xuất chặt chẽ thông qua các tổ hợp tác hay HTX, có liên kết đầu ra với DN. Từ vùng nguyên liệu ổn định, các DN sẽ dễ dàng trong định hướng tiêu thụ, đâu là hàng bán tươi, đâu là hàng chế biến… Để việc hợp tác bền vững, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các tổ chức khuyến nông trong việc xây dựng tiêu chuẩn phân loại nguyên liệu, làm căn cứ định giá bán, tránh tranh chấp hợp đồng khi thị trường có biến động" - ông Nguyên nêu quan điểm.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), phần lớn mặt hàng điều xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng sơ chế (đã qua chế biến, bóc vỏ lụa, sấy khô, hút chân không, đóng gói…), khi sang nước ngoài được tiếp tục chế biến sâu mới đưa ra thị trường. Để đẩy mạnh mảng chế biến sâu, Vinacas đề nghị Bộ Công Thương có các chương trình khuyến nông, hỗ trợ DN đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ, khuyến khích DN tìm khách hàng, đầu tư chế biến sâu và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.
Cam sành nhích giá
Ngày 21-2, thương lái Võ Văn Nhân (ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết giá cam sành đã nhích lên, ở mức 4.000 - 5.000 đồng/kg (loại chín mọng) và 7.000 - 8.000 đồng/kg (loại đúng lứa thu hoạch), tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với cách đây 10 ngày. Lý do vì thời tiết các tỉnh miền Bắc ấm lên, tăng lượng tiêu thụ cam và sự tiêu thụ hỗ trợ của một số nơi.
Trong tuần qua, để giúp nông dân tiêu thụ cam sành, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long phối hợp các địa phương chỉ đạo ban quản lý các chợ chuẩn bị những điểm kinh doanh miễn phí, kết nối các hệ thống phân phối, cửa hàng tiện lợi tại TP HCM, Hà Nội.
Tại TP HCM, Tổ chức Food Bank Việt Nam tổ chức chương trình "Tiêu thụ cam sành chín cây - Hỗ trợ nông dân" với sản lượng ước tính 200 tấn, giá mua tại vườn là 6.000 đồng/kg, bán ra với giá 10.000 đồng/kg. Nguồn thu từ việc bán cam được dùng để tiếp tục mua cam của nông dân ở những địa phương khác đang bị ùn ứ. Ngoài ra, dự án cũng phân phối và gửi cam sành đến hơn 100 mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão trong hệ thống mạng lưới thụ hưởng của Food Bank Việt Nam.
Hiện nay, cam sành còn đang được tiêu thụ hỗ trợ tại các siêu thị, sàn thương mại điện tử với giá phổ biến 10.000 - 13.000 đồng/kg, là mức giá không lợi nhuận đối với các nhà bán lẻ. Do cam có giá trị thấp nên nhiều đơn vị không tổ chức bán lẻ theo ký mà bán combo theo túi (5 kg hoặc 10 kg) để thuận tiện cho việc đặt hàng.
C.Linh - N.Ánh
Bình luận (0)