Nợ xấu đang là thách thức nghiêm trọng với nhiều ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng nhỏ Ảnh: HỒNG THÚY
Mua hơn 1.723 tỉ đồng của Agribank
Một lãnh đạo NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết VAMC đã đồng ý mua nợ của 11 khách hàng doanh nghiệp tại Agribank với số tiền 1.723 tỉ đồng. Theo đó, VAMC sẽ thanh toán cho Agribank số tiền tương ứng bằng trái phiếu đặc biệt. Hợp đồng này giúp Agribank giảm được khoảng 7,56% tổng nợ xấu.
Theo VAMC, trong những ngày tới, công ty sẽ ký hợp đồng mua hàng ngàn tỉ đồng nợ xấu của NH Sài Gòn (SCB), NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và NH Nam Việt (Navibank).
Đến nay, con số nợ xấu của từng NH vẫn chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, tính đến ngày 30-6, nợ xấu của SHB chiếm khoảng 9,04% dư nợ cho vay, tức khoảng 4.688 tỉ đồng; nợ xấu của Navibank là 853 tỉ đồng, chiếm tỉ 6,1% tổng dư nợ. Còn tại Agribank, tính đến cuối năm 2012, nợ xấu chiếm 5,8% tổng dư nợ, tức khoảng 27.803 tỉ đồng. Tại thời điểm này, tỉ lệ nợ xấu của SCB là 7,22%, tương đương 6.364 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2013, VAMC sẽ phát hành khoảng 30.000-35.000 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt, thời hạn tối đa 5 năm, để mua nợ xấu của các NH. Về phần mình, lãnh đạo nhiều NH cho hay việc bán nợ cho VAMC sẽ giúp NH đưa nợ xấu ra ngoài sổ sách và NH chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho trái phiếu đặc biệt. Do vậy, nhiều NH rất muốn bán nợ cho VAMC, trong đó có cả NH không thuộc diện bắt buộc phải bán (tỉ lệ nợ xấu dưới 3%).
Bùng nổ cuộc đua bán nợ xấu?
Theo Thông tư 19/2013/TT-NHNN về mua bán, xử lý nợ xấu, NH thương mại có thể dùng trái phiếu đặc biệt để làm tài sản thế chấp vay vốn từ NH Nhà nước. Trường hợp NH thương mại không trả được nợ vay, VAMC sẽ thu hồi trái phiếu đặc biệt để trả nợ thay. Sau khi mua nợ, VAMC sẽ quản lý tài sản thế chấp của khoản nợ hoặc ủy thác cho các NH thương mại quản lý và bán tài sản thế chấp...
TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển kinh doanh, cho rằng tuy thời gian đầu, các NH còn dè dặt nhưng tới đây, thị trường có thể bùng nổ cuộc đua bán nợ xấu cho VAMC bởi hầu hết các NH đang đối mặt với hạn chót (ngày 30-6-2014) thực hiện Thông tư 02. Theo thông tư này, NH thương mại phải hoàn thiện quy định về phân loại nợ, mức trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động.
Ngân hàng lo khó bán tài sản thế chấp Theo cố vấn một NH đang chuẩn bị bán nợ xấu cho VAMC, việc bán tài sản của doanh nghiệp đang thế chấp tại NH không đơn giản vì cần phải có sự đồng ý của 3 bên: Chủ tài sản, VAMC và NH. Chỉ cần chủ tài sản thiếu thiện chí hợp tác là việc xử lý tài sản có thể bất thành. Trường hợp khách hàng “bỏ của chạy lấy người”, NH cũng phải khởi kiện rồi chờ phán quyết của tòa án mới bán được tài sản. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Luật Dân sự quy định khi bán tài sản phải có sự đồng ý của chủ tài sản. Tuy nhiên, nghị định về xử lý nợ xấu cho phép VAMC quyết định bán tài sản mà không cần chủ tài sản đồng ý hay không. |
Bình luận (0)