Khi nợ xấu được giải quyết, sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế Ảnh: Hồng THÚY
Đắt khách
Theo VAMC, từ nay đến ngày 31-10, đơn vị này sẽ tiếp tục mua 7.500 tỉ đồng nợ xấu của 9 NH và đến cuối năm 2013, con số nợ xấu sẽ mua lên tới 35.000 tỉ đồng. Trước thông tin này, nhiều NH không thuộc diện bắt buộc đã “đánh tiếng” bán nợ cho VAMC. NH Sài Gòn Thương Tín dự kiến bán 1.000 tỉ đồng nợ xấu, NH Hàng hải cũng đang tính toán bán khoảng 400 tỉ đồng nợ xấu theo nhiều đợt, NH Xuất nhập khẩu Việt Nam cũng sẽ bán cho VAMC vài trăm tỉ đồng nợ xấu…
Lãnh đạo của nhiều NH cho biết tháng 6-2014, Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ theo hướng chặt chẽ hơn sẽ có hiệu lực. Do đó, các NH muốn bán toàn bộ số nợ xấu trước năm 2013 để đến năm 2014, các nhóm nợ khác được chuyển thành nợ xấu sẽ có tỉ lệ thấp, làm đẹp sổ sách cho NH. Mặt khác, khi bán nợ xấu cho VAMC, NH cũng có được nhiều lợi ích. Ví dụ, muốn vay tái cấp vốn từ NH Nhà nước 1.000 tỉ đồng, lãi suất 7%/năm, NH thương mại phải thế chấp cho NH Nhà nước các hồ sơ cho vay loại tốt mới được chấp thuận. Thế nhưng, trước cơ hội VAMC thu mua nợ xấu, nếu NH bán cho công ty này 1.000 tỉ đồng nợ xấu thì sẽ nhận trái phiếu đặc biệt có mệnh giá tương ứng với số nợ đã bán. Nhiều khả năng VAMC sẽ chi trả cho trái phiếu đặc biệt lãi suất 2%/năm. Sau đó, NH sẽ dùng trái phiếu đặc biệt để làm tài sản thế chấp vay của NH Nhà nước 700 tỉ đồng. Trong khi đó, lãi suất mà NH thương mại phải trả cho khoản vay từ NH Nhà nước đang bỏ ngỏ. Tính ra, NH thương mại bán nợ cho VAMC vừa giảm áp lực nợ xấu trên sổ sách vừa có thêm vốn hoạt động với lãi suất thấp.
VAMC bán lại nợ xấu cho ai?
Vấn đề đặt ra là VAMC làm thế nào để tiêu thụ hết số nợ mà các NH đã bán. Theo các NH thương mại, VAMC sẽ tiến hành phân loại tài sản là nhà xưởng, máy móc, bất động sản... rồi ủy quyền cho NH quản lý các loại tài sản thuộc dạng “ve chai” để tìm nhà đầu tư rồi bán lại. Còn các loại tài sản có giá trị lớn như khu công nghiệp, dự án bất động sản…, VAMC sẽ giữ lại để bán cho các tổ chức trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay NH Thế giới đang đặt vấn đề hợp tác với VAMC về xử lý nợ xấu. Thế nhưng, các yếu tố pháp lý chưa đủ hỗ trợ cho các tổ chức tài chính quốc tế, nhất là quyền hạn của nhà đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế khi mua nợ thuộc lĩnh vực bất động sản.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng điều mà Chính phủ lo ngại nhất là thị trường nợ xấu không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Thế nhưng, khi VAMC đi vận động, các nhà đầu tư nước ngoài đã “xếp hàng” để mua nợ xấu, trong đó có cả những tổ chức lớn như Blackstone Group, Deutsche Bank Capital... “Tôi đã hỏi 16 đoàn nhà đầu tư nước ngoài vào tìm hiểu thị trường Việt Nam, điều mà họ mong mỏi nhất là thủ tục mua bán nợ cần phải triển khai thật nhanh” - ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường ĐH Mở TP HCM, cho rằng NH bán nợ xấu thực chất là chuyển giao chủ nợ cho VAMC. Vấn đề quan trọng là VAMC phải bán được số nợ xấu đã mua. Khi đó, thị trường sẽ có thêm dòng tiền mới, tình hình tài chính của doanh nghiệp được cải thiện, từng bước giải quyết hàng tồn kho, khôi phục hoạt động.
Nhiều rào cản Theo đề án xử lý nợ xấu, việc xử lý nợ xấu có sự tham gia của nhiều bộ, ngành nhưng đến nay chưa bộ, ngành nào triển khai nhiệm vụ của mình ngoài NH Nhà nước. Đặc biệt, nghị định về xử lý nợ xấu cho phép VAMC bán tài sản nếu chủ tài sản không đồng ý giá bán nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết nợ xấu song lãnh đạo nhiều NH cho rằng VAMC không thể thực hiện được bởi còn vướng các quy định về công chứng, đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm... |
Bình luận (0)