Từ ngày 12-6, TP HCM có 4 điểm lớn bán thịt heo giá rẻ để "giải cứu" và tất cả nằm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh). Trong đó, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) có 2 điểm, còn lại của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (Công ty An Hạ) và điểm bán của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Các điểm này thu hút rất đông người tiêu dùng.
Không giảm thì bán cho ai!
12-6 là ngày đầu tiên Vissan tổ chức bán thịt heo mảnh với giá cực thấp, sức hút của thịt heo VietGAP Vissan tăng vọt. Mới 10 giờ 30 phút, Vissan đã xuất kho hơn 90 tấn thịt heo đến các điểm bán khuyến mãi, dự kiến đến chiều cùng ngày, thêm 30 tấn thịt heo VietGAP nữa sẽ được đưa ra tiêu thụ.
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng giám đốc Vissan, nhìn nhận Vissan không có ý định chạy đua giảm giá bán thịt heo mà luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Đến thời điểm này, Vissan không tính toán lãi lỗ nhằm hỗ trợ tiêu thụ thịt heo cho người nuôi thông qua kênh phân phối hiện đại. Trước đó, công ty đã triển khai nhiều giải pháp thu mua, giết mổ heo cấp đông dự trữ… Vissan đang mua heo VietGAP theo đúng tiêu chuẩn với giá 28.000 đồng - 29.000 đồng/kg.
Việc Vissan tổ chức bán heo mảnh gồm 5 loại với 5 giá khác nhau, từ 25.500 đồng/kg đến 36.000 đồng/kg nhằm cho người tiêu dùng thấy công ty cũng có heo giá rẻ nhưng lâu nay, tiêu chí kinh doanh của công ty là đối với mặt hàng thịt tươi sống, chỉ bán cho người tiêu dùng loại 1, thịt phẩm cấp thấp hơn được dùng trong chế biến.
Một điểm bán thịt heo “giải cứu” trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP HCM) thu hút đông đảo người mua Ảnh: Hoàng Triều
Theo bà Phương Ninh, Vissan đã có kế hoạch chuẩn bị 150 con heo/ngày cho đợt giảm giá "chưa có tiền lệ" này. Do sức tiêu thụ thịt heo trong những ngày khuyến mãi tăng đột biến nên Vissan có phần bị động trong giết mổ cũng như tổ chức phân phối nhằm bảo đảm sản phẩm giá khuyến mãi đến đúng đối tượng là người tiêu dùng cuối cùng.
Hai ngày qua, giá thịt cốt lết của Vissan giảm còn 40.000 đồng/kg (giá đang áp dụng tại kênh phân phân phối trong các chợ là 77.500 đồng/kg) nên đã "cháy hàng". Vissan đang cố gắng để bảo đảm đủ hàng cung ứng ra thị trường theo nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, đã xuất hiện hiện tượng mua đi bán lại thịt heo khuyến mãi, nhiều cuộc gọi đến cửa hàng đặt mua sườn cốt lết với số lượng lớn.
"Tiêu chí của chúng tôi lần này là bán thịt heo mảnh cho đối tượng kinh doanh, mua đi bán lại. Còn thịt heo pha lóc là dành cho người tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi từ chối bán thịt cốt lết hay bất cứ sản phẩm nào đang giảm giá với số lượng lớn và đang tìm giải pháp để hạn chế tình trạng khách mua hàng giá rẻ để bán lại, hưởng chênh lệch" - bà Phương Ninh nói.
Làn sóng giảm giá thịt heo có thể còn lan rộng. Chiều 12-6, trao đổi với phóng viên, một nhà cung cấp thịt cho kênh phân phối hiện đại cho biết ngay sau khi Vissan công bố giảm giá "sốc", các siêu thị đã yêu cầu cùng thực hiện chương trình giảm giá tương ứng hoặc thấp hơn Vissan từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg. "Lúc này, không thể tính chuyện lời - lỗ. Người ta giảm giá sâu như vậy, mình không giảm thì bán cho ai?" - đại diện nhà cung cấp này giải thích.
Như vậy, ngoài Công ty An Hạ tuyên bố chỉ lãi 100.000 đồng/con heo khi giảm giá bán lẻ, điểm bán hàng "giải cứu" của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên tại cửa hàng C.P đang lỗ, các điểm bán tại kênh phân phối hiện đại cũng không tính đến chuyện lời lỗ.
Không ảnh hưởng nhiều đến thị trường
Theo các chợ đầu mối, DN chỉ bán thịt heo giảm giá tại một số điểm và siêu thị, chủ yếu tác động đến tâm lý người tiêu dùng chứ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chung. Theo một thống kê vào tháng 4-2017, trung bình lượng tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại chỉ 1.300 con heo/ngày trong khi cả thành phố tiêu thụ đến 10.000 con/ngày.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng heo về đây đang dao động quanh mức 420 tấn/đêm, tương đương 5.600 - 5.650 con/đêm (cao hơn mức 385 tấn/đêm của tháng trước). Giá heo mảnh loại 1 tại chợ Hóc Môn hiện trên dưới 33.000 đồng/kg và sức tiêu thụ ổn định.
Lãnh đạo Chi cục Thú y TP HCM nhìn nhận so với tổng mức tiêu thụ của thành phố, lượng thịt heo bán ra tại 4 điểm "giải cứu" trên đường Nơ Trang Long là khá nhỏ.
Do vậy, tuy có nhiều hoạt động "giải cứu" nhưng lượng heo tồn vẫn còn lớn. Bà L.T.T.M (nông dân nuôi heo VietGAP tại huyện Củ Chi, TP HCM) cho biết gọi lái buôn bán heo với giá 23.000 - 24.000 đồng/kg nhưng họ vẫn không mua. Để có tiền mua cám nuôi đàn heo, bà phải thuê người đến nhà mổ heo với tiền công 300.000 đồng/con rồi mang ra trước nhà bán. Tuy nhiên, mỗi con chỉ bán được khoảng 3 triệu đồng, lỗ khoảng 1 triệu đồng và tiêu thụ được 2-3 con/tuần.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, đánh giá nhu cầu bán heo VietGAP của người nuôi hiện còn rất lớn. "Với lượng tiêu thụ trực tiếp chỉ khoảng 40 con/ngày, công ty không thể bao tiêu tất cả mà chỉ mua mỗi hộ một ít với giá 25.000 đồng - 27.000 đồng/kg. Số còn lại, nếu nông dân muốn bán, công ty chỉ có thể mua với giá 23.000 đồng - 24.000 đồng/kg do phải bán ra thị trường với giá heo thường. Khi ra thị trường còn phải cạnh tranh với heo các tỉnh nên công ty không thể mua với giá cao hơn" - bà Thắm lý giải.
Không thể giảm giá sâu kéo dài
Trước diễn biến một số DN giảm giá bán thịt heo trong thời gian qua, một lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM cho biết trong tuần này, sẽ cùng với Sở Tài chính làm việc với các đơn vị sản xuất, phân phối mặt hàng này trên địa bàn. Quan điểm của TP là ủng hộ DN triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ tiêu thụ thịt heo, trong đó bao gồm chương trình khuyến mãi nhưng chỉ được giảm giá mạnh trong thời gian ngắn. Nếu DN giảm giá sâu kéo dài sẽ gây ra sự xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến các DN, hệ thống phân phối khác, như các chợ truyền thống.
Ph.An
Bình luận (0)